HÌNH ẢNH QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO TIẾP THU, GIẢI TRÌNH VÀ CHỈNH LÝ DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)

23/10/2019

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước khi tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án luật này.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn; phối hợp các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức khảo sát, lấy ý kiến tại các địa phương. 

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại Phiên thảo luận.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp sáng 23/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV:

Sáng 23/10, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung được sửa đổi, có nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ, có tác động nhiều mặt đến người lao động.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến tại Phiên thảo luận như sau: về mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa; tuổi nghỉ hưu; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; thời giờ làm việc bình thường; giải quyết tranh chấp lao động và đình công và các nội dung khác mà các  đại biểu quan tâm để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 23/10.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức