QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CƠ SỞ BẢO ĐẢM THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ.

24/06/2019

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế, đặc biệt theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ càng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bảo đảm phù hợp với Hiến Pháp 2013, theo đó, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đại diện của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, về bản chất là tổ chức xã hội đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Về việc thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức đại diện người lao động: Dự thảo bổ sung 3 điều quy định về ba nội dung lớn: (1) Quyền của NLĐ trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; (2) Điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; (3) Tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức. Những vấn đề liên quan cần hướng dẫn của ba nội dung trên và một số nội dung cụ thể khác như: hồ sơ, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức đại diện; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể và quyền liên kết của các tổ chức với nhau sẽ giao Chính phủ quy định.

Về hoạt động: Tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đại diện bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở.  Do đó, thực chất các quy định về nội dung, phạm vi hoạt động của tổ chức đại diện là những quy định về việc tham gia của tổ chức này như thế nào trong quá trình đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, nhất là hoạt động thương lượng tập thể với người sử dụng lao động về tiền lương và điều kiện làm việc cho người lao động.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Nhằm bảo đảm sự ổn định, hài hòa của quan hệ lao động, các quy định về thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động (Chương V của dự thảo Bộ luật) được xây dựng dựa trên nguyên tắc:

Một là, một doanh nghiệp chỉ có một thương lượng tập thể và một thỏa ước lao động được ký kết. Đây là nguyên tắc nhằm bảo đảm thương lượng tập thể được thực hiện theo cách không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh có thể có nhiều tổ chức đại diện cùng tồn tại trong doanh nghiệp;

Hai là, thỏa ước lao động tập thể dù được tổ chức đại diện nào thương lượng đều phải được đa số (trên 50%) người lao động tại doanh nghiệp đồng ý mới được ký kết. Đây là những quy định nhằm bảo đảm thương lượng tập thể là hình thức quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, nên người lao động phải là người có tiếng nói cuối cùng trong việc thông qua thỏa ước lao động tập thể.

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, dự thảo Bộ luật (Điều 67) quy định nếu trong doanh nghiệp chỉ có một tổ chức đại diện thì tổ chức đại diện đó có quyền thương lượng tập thể. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động thì chỉ có một tổ chức đại diện có quyền thương lượng tập thể là tổ chức thỏa mãn 2 điều kiện: (i) là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động tại cơ sở; (ii) phải có số lượng thành viên tối thiểu là người lao động tại đơn vị sử dụng lao động theo quy định của Chính phủ. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện nhưng không có tổ chức nào thỏa mãn các điều kiện trên thì các tổ chức có thể liên kết với nhau trên cơ sở tự nguyện để tiến hành thương lượng tập thể nếu có đủ tỷ lệ tổng số đoàn viên của các tổ chức trên tổng số người lao động tại đơn vị sử dụng lao động thỏa mãn quy định của Chính phủ.

Chính phủ nhận định, những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến tổ chức đại diện người lao động của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là ở mức độ vừa đủ, đáp ứng đồng thời các yêu cầu: vừa tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động tại cơ sở của tổ chức đại diện người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động của Việt Nam.

Thẩm tra dự án luật,  Uỷ ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc có thêm tổ chức đại diện của người lao động ngoài tổ chức công đoàn cơ sở làm thay đổi cơ cấu quan hệ lao động tại doanh nghiệp, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định có liên quan tại để bảo đảm quyền thương lượng tập thể của người lao động trong bối cảnh mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận toàn thể hội trường về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ, đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp nghiên cứu thận trọng, kỹ càng việc người lao động tham gia vào việc thành lập các tổ chức đại diện người lao động về quyền và trách nhiệm giải quyết về tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Bảo Yến