MỞ RỘNG KHUNG THỎA THUẬN VỀ LÀM THÊM GIỜ PHẢI HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG.

24/06/2019

Thảo luận lần đầu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh giờ làm thêm là vấn đề ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động. Do đó, điều chỉnh tăng giờ làm thêm cần cân nhắc kỹ để đem lại quyền, lợi ích cho người lao động song vẫn hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Theo tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), những năm qua, Chính phủ nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa. Chính phủ thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động, góp phần bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động. Do vậy, Chính phủ quy định trong dự thảo mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Theo Báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo cho rằng đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). Mức 400 giờ làm thêm một năm thì bình quân người lao động trong các ngành nghề này cũng chỉ làm thêm chưa đến 1,5 giờ/mỗi ngày làm việc.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ. Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, Chính phủ quy định trong dự thảo 4 biện pháp sau đây:

- Quy định nguyên tắc thỏa thuận với người lao động khi làm thêm giờ: chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ.

- Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ (kể cả làm bình thường và làm thêm giờ) và người lao động sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày.

- Trả lương cao hơn và đãi ngộ hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ: Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Quá trình soạn thảo, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất quy định cứng trong dự thảo mức lương lũy tiến làm thêm giờ; trong khi ý kiến của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt nam đề nghị không quy định vấn đề này. Dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người lao động khi làm thêm giờ và thúc đẩy thương lượng về tiền lương (Điều 99 dự thảo Bộ luật).

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết nội dung này cũng quy định 3 nguyên tắc khi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm quá 200 giờ: (1) doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; (2) doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ; (3) quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp điện tử, công nghệ thông tin) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Đại biểu Trương Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định 

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường, đại biểu Trương Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị không tăng thêm khung giờ làm thêm và cần quy định 01 tháng làm thêm không quá 30 giờ như quy định của bộ luật hiện hành.

Đại biểu Trương Anh Tuấn lý giải,  việc làm thêm giờ đang là nhu cầu thực tế của xã hội, điều đó giúp xã hội tăng thêm của cải, doanh nghiệp bớt đi chi phí mở rộng sản xuất, bớt đi việc tuyển dụng, đào tạo, bổ sung lao động, tăng thêm lợi nhuận và người lao động cũng được tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, cần chú ý hơn mặt trái của việc làm thêm giờ đối với người lao động. Thời gian làm thêm giờ sức khỏe hao hụt rất nhanh và rất khó bù đắp, khôi phục. Nếu bị lạm dụng quá mức, sức khỏe cạn kiệt, không kịp tái tạo, phục hồi thì sức khỏe của người lao động sẽ đứng trước một thảm họa khôn lường. Trong thực tế hiện nay, khu vực có thời gian làm thêm cao nhất là khu vực thuộc ngành may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản, khu vực sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, khu vực này có tỷ lệ lao động là nữ trên 70%, ở một số doanh nghiệp tỷ lệ lao động nữ trên 80%, như vậy mặt trái của việc làm thêm tác động tới nữ giới mạnh hơn, rộng hơn và vấn đề bình đẳng giới ở đây có sự bất cập cần được quan tâm, khắc phục.

Do đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc thận trọng hơn một số vấn đề. Một là, phần lớn người lao động không muốn tăng thời gian làm thêm và càng không muốn tăng thêm thời gian làm thêm. Chúng ta không nên đánh đồng việc chấp nhận làm thêm giờ với mong muốn làm thêm giờ của người lao động.

Hai là, dự thảo luật đã bỏ đi quy định là làm thêm không quá 30 ngày trong 1 tháng của luật hiện hành. Nếu bỏ đi quy định này có nghĩa thời gian làm thêm liên tục tăng rất nhiều, người lao động khả năng phải làm thêm liên tục 37 ngày, mỗi ngày 04 giờ và đây cũng là áp lực lớn đối với người lao động.

Ba là, cần chú ý mục tiêu đầu tiên của sửa đổi Bộ luật Lao động là đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Vì vậy, thay vì thời gian làm thêm, người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp hãy thận trọng trong việc ký các đơn hàng, cần chú ý để hợp lý hóa tăng năng suất lao động để trả lương xứng đáng cho người lao động, mong rằng người lao động không vì thu nhập mà phải làm thêm nhiều, phải trả giá bằng sức khỏe và hạnh phúc của chính mình.

Đại biểu Phùng Thị Thường – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, qua tiếp xúc với người lao động nhận thấy phần lớn người lao động không mong muốn mở rộng khung làm thêm giờ so với quy định hiện tại mà đề xuất tập trung các giải pháp để nâng cao tăng thu nhập cho người lao động. Một bộ phận công nhân lao động đồng ý tăng thời gian làm thêm vì thu nhập thấp nên chấp nhận làm thêm giờ.

Đại biểu Phùng Thị Thường – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Phùng Thị Thường cho rằng, việc xem xét tăng thời gian làm thêm giờ phải đặt trong mối quan hệ giữa các yếu tố việc làm, thất nghiệp, sức khỏe, môi trường làm việc, an toàn lao động, tổng số giờ làm việc chính thức của người lao động và vấn đề phát sinh từ xã hội khác.

Đại biểu nhấn mạnh, xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm để tăng thời gian nghỉ ngơi. Do đó, phải tính toán trong mối tương quan thời giờ  làm việc chính thức và phải đảm bảo được thời gian tái tạo kịp thời sức lao động cho người lao động nhằm đảm bảo tối ưu hóa mặt tích cực và hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ. Nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, tổ chức làm thêm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không được huy động lao động làm thêm giờ nhiều tháng liên tục, phải bố trí thời gian nghỉ giữa ca sao cho phù hợp.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, tình trạng các doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ vượt quá mức quy định đang diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp vượt quá hai đến ba lần mức cho phép và cũng chỉ xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Nếu không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong khi nhu cầu làm thêm có thực từ hai phía thì doanh nghiệp vẫn tổ chức làm thêm và thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về người lao động.

Theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa cần được đặt trong mối tương quan giữa thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phải hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, quy định của pháp luật cần hướng đến việc chấm dứt nhân công giá rẻ, lương không đủ sống như các ngành lao động thông dụng hiện nay, cần tăng cường trách nhiệm quản lý của nhà nước để đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Do đó, đại biểu đề nghị quy định thời gian làm việc tối đa không quá 44 giờ trong tuần đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Hai là, tăng tiền lương làm thêm giờ so với quy định hiện hành. Tăng thời gian làm thêm phải đi đôi với việc tăng lũy tiến tiền lương đối với thời gian làm việc tăng thêm của người lao động. Ba là, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đây chính là điều kiện đầu tiên để bảo vệ quyền lợi về tiền lương của người lao động và cần phải được bảo đảm ngay./.

Bảo Yến