CÂN NHẮC CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG VỚI VIÊN CHỨC ĐỂ KHẮC PHỤC TIÊU CỰC TRONG TUYỂN DỤNG, KÍ KẾT HỢP ĐỒNG.

24/06/2019

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung đề xuất sửa đổi và được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là việc thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với tất cả viên chức tuyển dụng mới, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức trọn đời” trong đội ngũ viên chức.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Ban soạn thảo xin ý kiến Quốc hội theo hai phương án:

Phương án 1: Thể chế hóa chủ trương của Đảng theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Phương án 2: Giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin – cho khi đến hạn ký lại hợp đồng. Theo phương án này thì vẫn bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với trường hợp tuyển dụng mới, đồng thời bổ sung quy định đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau 

Thảo luận về nội dung này, phát biểu tại hội trường, bày tỏ tán thành với phương án 2, đại biểu Trương Thị Yến Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng việc quy định như phương án 1 sẽ tạo ra tâm lý bất an, không yên tâm cho viên chức khi làm việc, có thể tình trạng lợi dụng, lạm dụng dẫn đến tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục, không thu hút người có tài năng. Hiện nay, viên chức mặt bằng chung lương thấp, việc làm vừa áp lực vừa không an toàn, thiếu chính sách thu hút nhân tài, nay thì việc làm lại không ổn định, tất yếu có sự dịch chuyển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao từ công sang tư.

Để tránh tình trạng tiêu cực, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động, Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu giải trình, theo đó cũng quy định rõ đơn vị sự nghiệp công lập không đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu đơn vị vẫn có nhu cầu viên chức, vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao và không vi phạm kỷ luật. Quy định theo hướng như vậy cũng tương tự như hiện hành mà còn phát sinh thêm thủ tục, trong khi phân loại đánh giá cuối năm đôi khi còn hình thức, nể nang. Do đó, chỉ nên quy định phân loại đánh giá cụ thể hơn nhằm xóa bỏ việc đánh giá hình thức, định tính và nể nang. Hệ quả của việc đánh giá phải quy định rõ trong luật, có chế tài xử lý nghiêm, khi đó sẽ tạo được cơ chế có vào có ra và khắc phục được tình trạng biên chế suốt đời

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lại tán thành với với phương án 1. Theo đó, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật có hiệu lực sẽ thực hiện việc ký hợp đồng xác định thời hạn. Các trường hợp trước đây thực hiện theo luật hiện hành. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp vị trí việc làm, tạo sự cạnh tranh, động lực cho viên chức làm việc tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, hợp đồng phải có điều khoản ràng buộc chủ thể ký hợp đồng lao động không được tùy tiện cắt hợp đồng khi chưa hết hạn mà không rõ lý do minh bạch, xử lý kỷ luật viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu, thời hạn, thời hiệu giống như cán bộ, công chức.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Ninh Thuận cho rằng, phương án 1 có nội dung quy định là không ký hợp đồng xác định thời hạn, kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2 là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Nghị quyết số 19 của Trung ương chỉ yêu cầu thực hiện chế độ hợp đồng viên chức, có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, không có yêu cầu đối với các trường hợp đã được ký hợp đồng lần 2. 

Do đó đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương tán thành với phương án 2 và nhấn mạnh, quy định như phương án này để đảm bảo với tinh thần của Nghị quyết số 19 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, đồng thời khắc phục được cơ chế xin - cho, tránh trường hợp tiêu cực khi đến hạn ký hợp đồng và cũng tránh gây thêm thủ tục ký lại hợp đồng, mất thời gian, tốn kém không cần thiết. Khi cơ chế về kiểm soát việc ký lại hợp đồng việc làm của viên chức và cơ chế phát hiện tiêu cực, chế tài xử lý tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát sự cửa quyền của người có thẩm quyền ký hợp đồng cho viên chức chưa được quy định minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo thuận lợi để thực hiện thì không nên sửa đổi như phương án 1 tại Tờ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên lại cho rằng không nên cứng nhắc quy định lựa chọn 1 trong 2 phương án. Bởi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tự chủ thì việc thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn sẽ tạo môi trường làm việc tích cực, khắc phục hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là vào dễ, ra khó; tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm đồng thời đảm bảo cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng, ký hợp đồng, liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế việc thực hiện tự chủ còn khó khăn, vướng mắc nhiều ở cơ chế chính sách, nhiều đơn vị sự nghiệp chưa thể tự chủ, đặc biệt đối với các trường khối phổ thông, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn không thể thu hút được sinh viên theo nghề, thu hút được giáo viên bám trường, bám lớp. Giáo viên công tác tại các vùng đó không còn tâm huyết mà cống hiến cho nghề bởi tâm lý có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào.

Mặt khác, việc ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần vi phạm pháp luật về lao động vì quy định không ký hợp đồng xác định thời hạn quá 2 lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên 

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động của chính sách này kỹ hơn, quy định cụ thể từng đối tượng chịu sự tác động của chính sách này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình đơn vị và tránh gây bức xúc trong dư luận.

Đại biểu Ka H’Hoa - Đắk Nông cũng lưu ý, Luật Viên chức hiện hành khi quy định về 2 loại hợp đồng làm việc có thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn gây ra sự phân biệt viên chức hợp đồng với viên chức biên chế dẫn đến sự bất bình đẳng, tạo tâm lý so sánh giữa những người cùng làm việc ở một đơn vị do phải ký 2 loại hợp đồng khác nhau. Và nếu quy định như phương án 1 sẽ luôn có những so sánh và lo ngại trong quá trình làm việc và liệu có phát sinh cơ chế chạy hợp đồng hàng năm không? Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc thận trọng, tính toán kỹ hiệu quả, tác động xã hội của quy định. Nếu chúng ta không đưa ra được những lập luận để thấy rõ ưu điểm của phương án lựa chọn sẽ gây ra những tác động không nhỏ, tạo tâm lý bất ổn, lo lắng trong đội ngũ viên chức./.

Bảo Yến