GẶP MẶT CÁC NHÀ GIÁO, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC LÀ ĐBQH NHÂN KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

19/11/2018

Cuối giờ chiều nay (19/11), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018).

Tham dự buổi gặp mặt có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.

Cùng dự buổi gặp mặt có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; các đồng chí là nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trần Thị Tâm Đan, Đào Trọng Thi; cùng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Toàn cảnh buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018)

Chúc mừng đại biểu Quốc hội - nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỉ niệm 36 năm ngày nhà giáo Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định: Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, vị trí, vai trò của ngành giáo dục cũng như người thầy càng cần được coi trọng. Với truyền thống hàng nghìn năm qua cho thấy những thành quả của giáo dục đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hiện tại hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển tương đối toàn diện ở các cấp từ mầm non tới đại học. Có được thành quả này là nhờ sự đóng góp rất lớn của các thế hệ thầy cô giáo, đặc biệt những nhà giáo không chỉ làm nhiệm vụ đào tạo con người mà còn tham gia vào quá trình lập pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Chất lượng, hệ thống giáo dục và giáo dục đại học của Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới? Đây là những trăn trở của giáo dục đại học Việt Nam thời gian qua. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Giáo dục Đại học vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/11 đã có nhiều quy định tạo hành lang pháp lý quan trong giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của các nhà giáo là đại biểu Quốc hội, bởi các đại biểu không chỉ làm nhiệm vụ dạy người mà còn tham gia đóng góp những ý kiến tâm huyết để ngành giáo dục tiếp tục phát triển.

Cũng tại buổi gặp mặt, một số đại biểu quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về trách nhiệm khi tham gia vào công tác lập pháp, đặc biệt là cho ý kiến vào Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), giúp mở đường cho giáo dục Việt Nam phát triển ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến ngành giáo dục, đặc biệt nâng cao đời sống của đội ngũ giáo viên, nhất là các thầy cô đang công tác tại vùng sâu, vùng xa để họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sự trưởng thành và đóng góp to lớn của đội ngũ giáo viên trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân

Thay mặt Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và các đại biểu nguyên là Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng; các thầy, cô giáo ở khắp mọi miền đất nước lời chúc sức khỏe, lời tri ân những tấm lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và sự cống hiến không mệt mỏi của các thầy giáo dồi dào sức khỏe, hành phúc và thành công.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, những khóa trước đây và Quốc hội khóa XIV có khoảng 1/5 các vị đại biểu Quốc hội đã và đang công tác trong ngành giáo dục, điều đó khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, khẳng định vị trí quốc sách trong xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, cũng đã khẳng định sự trưởng thành và đóng góp to lớn của đội ngũ giáo viên trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29 và yêu cầu hội nhập quốc tế, với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực, cầu thị, của ngành giáo dục và các bộ, ngành hữu quan, ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã có bước chuyển biến và thu được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục và đào tạo cũng còn bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục có biện pháp hữu hiệu để khắc phục có hiệu quả hơn.

Chiều ngày 19/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học với tỉ lệ tán thành cao, điều đó thể hiện sự đồng thuận của Quốc hội về việc tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo và quản lý giáo dục. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn thời gian tới, với tâm huyết, trách nhiệm của mình, các đại biểu tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và góp ý, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục sửa đổi, tiến hành giám sát có hiệu quả việc thực thi Luật, Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục và đào tạo, tham gia tích cực việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo để bảo đảm nền giáo dục Việt Nam ổn định, phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các Đại biểu Quốc hội đang công tác trong ngành giáo dục tiếp tục có những đóng góp tâm huyết để hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời tri ân thầy cô giáo, những người dành cả cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là các thầy cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa; mong muốn các thầy cô tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo có vai trò quyết định để Việt Nam thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, trong công tác lập pháp đã giải quyết nhiều tồn tại trong ngành giáo dục, điển hình như quy định về liên thông trong giáo dục đại học được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã cho thấy vai trò quan trọng của công tác lập pháp, đáp ứng sự phát triển của giáo dục trong thời kỳ mới. Thủ tướng mong muốn, các nhà giáo - Đại biểu Quốc hội đang công tác trong ngành giáo dục tiếp tục có những đóng góp tâm huyết để hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến, giúp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam trong thời gian tới./.

Lan Hương - Nghĩa Đức