ĐBQH TÔ VĂN TÁM - KON TUM: CHẬM TRỄ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ THỦY ĐIỆN ĐẮK ĐRINH

26/09/2018

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc chậm trễ thực hiện chính sách pháp luật trong bồi thường, tái định cư, di dân thủy điện Đắk Đrinh, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Tô Văn Tám chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về tiến độ đền bù tái định cư, định canh Dự án Thủy điện Đắk Đrinh

Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 6/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có Công văn số 1117 BCT-KH trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám. Công văn nêu rõ: Dự án Thủy điện Đắk Đrinh do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Đrinh thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí – Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, làm chủ đầu tư. Dự án triển khai tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cử các đoàn công tác kiểm tra tình hình hỗ trợ tái định cư Dự án Thủy điện Đắk Đrinh

Cuối tháng 7/2016, Đoàn công tác của Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đã kiểm tra tình hình thực hiện Dự án. Qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, định canh tại Kon Tum có một số nội dung chưa phù hợp với quy định. Cũng trong thời gian này, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, đã có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư tỉnh Kon Tum khẩn trương thu xếp vốn để chi trả bồi thường hỗ trợ đất tái định canh. Chủ động bàn bạc và thống nhất với địa phương về phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ diện tích điều chỉnh quy hoạch bổ sung 104 ha đất tái định canh của các thôn Vương, Xô Luông, Đắk Lai, Đắk Lup, Đắk Tiêu và Xô Thác, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Về công tác khai hoang đồng ruộng của dự án, chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 40 tỷ đồng. Chi phí còn lại chưa giải ngân là 57 tỷ đồng bao gồm 32,7 tỷ đồng đã phê duyệt phương án bồi thường, 24,3 tỷ đồng chưa phê duyệt phương án. Về lý do chậm cấp vốn 32,7 tỷ đồng được giải thích là do quá trình triển khai dự án kéo dài trong nhiều năm, chế độ chính sách thay đổi dẫn tới chi phí tăng cao đã vượt tổng mức đầu tư.

Sau gần 2 năm kể từ khi Bộ Công thương cam kết chỉ đạo thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh định cư phục vụ Dự án Thủy điện Đắc Đrinh, nhưng thực tế  được triển khai như thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Tô Văn Tám, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum:

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc thực hiện chính sách bồi thường, di dân, tái định cư thủy điện. Nội dung đại biểu chất vấn tập trung vào vấn đề gì, thưa đại biểu?

Ông Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, tôi đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Nội dung chất vấn là việc bồi thường hỗ trợ tái định canh định cư công trình Thủy điện Đắc Đrinh và vấn đề vướng mắc mà các hộ dân thuộc diện đền bù ở thôn Xô Luông trong quá trình đền bù, hỗ trợ tái định canh, định cư.

Sau khi chất vấn, tôi cũng nhận được câu trả lời của Bộ Công thương rất kịp thời. Nội dung trả lời tương đối rõ ràng, trong đó Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Công ty Dầu khí Điện lực và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết vấn đề tôi đã chất vấn. Bộ cũng nói rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị trong việc để xảy ra những vướng mắc, chậm trễ trong quá trình đền bù, hỗ trợ tái định canh, định cư đối với các hộ dân thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, nếu những giải pháp mà Bộ Công thương đề cập trong văn bản trả lời chất vấn nếu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng thì sự việc có lẽ sẽ được giải quyết sớm.

Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, việc chậm trễ đền bù, hỗ trợ tái định canh, định cư do chủ đầu tư và cơ quan liên quan chưa nghiêm túc, kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương

Phóng viên: Thưa đại biểu, mặc dù Bộ Công thương đã sớm chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc trong bồi thường, tái định cư, định canh tại Thủy điện Đắk Đrinh, nhưng từ khi triển khai di dân vào năm 2013 đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, khiến người dân bức xúc. Vậy để giải quyết dứt điểm những vướng mắc này thì Bộ Công thương, cũng như các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện những giải pháp gì?

Ông Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Công tác chỉ đạo của Bộ Công thương tương đối rõ ràng nhưng việc các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết còn chậm trễ. Có nguyên nhân khách quan đó là vốn đầu tư đội lên, nhưng nếu có sự vào cuộc kịp thời, tích cực thì sự việc đã được giải quyết sớm. Do vậy tôi đề nghị Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần thủy điện Đắk Đrinh phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị Thủ tướng xem xét sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ cho những hộ dân này. Bộ Công thương cũng chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam sử dụng nguồn dự phòng để giải quyết dứt điểm những vướng mắc cho nhân dân.

Phóng viên:  Thưa đại biểu, việc chậm trễ hỗ trợ bồi thường tái định cư cho người dân tại Dự án Thủy điện Đắk Đrinh đã kéo dài nhiều năm. Mặc dù đại biểu đã chất vấn tại các kỳ họp thứ 2 và tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để. Phải chăng các bộ ngành vẫn chưa thực sự chú trọng đến những kiến nghị của Đại biểu?  

Ông Tô Văn Tám, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: Trong trường hợp này, tôi thấy Bộ Công thương rất quan tâm đến chất vấn của đại biểu quốc hội và sau khi chất vấn đã trả lời kịp thời. Sau đó cũng có chỉ đạo rõ các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, định canh thủy điện. Nhưng các cơ quan liên quan thì chưa nghiêm túc, kịp thời thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, dẫn đến việc giải quyết vấn đề chất vấn của đại biểu trong thực tiễn chưa kịp thời. Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo sát sao, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đền bù tái định cư tại Dự án Thủy điện Đắk Đrinh để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lan Hương