HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2020 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2021 CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

05/01/2021

Sáng ngày 05/01/2021, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các đồng chí là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội 17 tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ và các cơ quan Trung ương.

Về phía lãnh đạo Văn phòng Quốc hội có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; các đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Vụ Công tác phía  Nam, Vụ công tác miền Trung tại các điểm cầu trực tuyến.

Năm 2020, Văn phòng Quốc hội hoàn thành tốt công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội.

Mở đầu Hội nghị, các đại biểu xem báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Quốc hội bằng hình ảnh do Truyền hình Quốc hội Việt Nam thực hiện.

Báo cáo khẳng định, năm 2020 là năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; nhưng cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Với quyết tâm, trách nhiệm cao trước đồng bào, cử tri cả nước, Quốc hội đã biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để thực hiện nhiều đổi mới cho phù hợp với xu thế và nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhất là linh hoạt, cải tiến cách thức làm việc, kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch, hoàn thành khối lượng lớn nội dung đặt ra về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại, góp phần cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV.

Bối cảnh đó đã đặt ra cho Văn phòng Quốc hội những yêu cầu, nhiệm vụ khá nặng nề, trong đó có nhiều nội dung đột xuất, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Từ đó, đòi hỏi cả tập thể và từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng phải nỗ lực, phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục cải tiến cách thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí không ngừng phấn đấu, tăng khả năng dự báo tình hình và phản ứng kịp thời đối với những vấn đề phát sinh; chủ động tham mưu đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi phương thức làm việc tập trung sang làm việc trực tuyến...

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Quốc hội.

Về các kết quả cụ thể, năm 2020, Văn phòng Quốc hội đã chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và phục vụ Quốc hội tổ chức thành công kỳ họp thứ 9 và thứ 10 theo hình thức chia 02 đợt và kết hợp họp trực tuyến với họp tập trung, bảo đảm kỳ họp được khai mạc đúng thời gian quy định. Đồng thời tham mưu, phục vụ nhiều Hội nghị, phiên họp trực tuyến của các cơ quan của Quốc hội để thảo luận, góp ý hoặc thẩm tra một số nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên áp dụng hình thức họp trực tuyến nhưng rất thành công, diễn ra an toàn, thông suốt, hiệu quả, tiết kiệm, trở thành điểm nhấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Văn phòng đã phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội thông qua 17 luật, 34 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật khác; giám sát tối cao 01 chuyên đề; phục vụ hơn 162 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận với 21 thành viên Chính phủ, Trưởng ngành; xem xét nhiều báo cáo quan trọng; chuẩn bị và triển khai nhiều nội dung để tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng thời, đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của Quốc hội, hoàn thành khối lượng lớn công việc theo chương trình, kế hoạch; giám sát 01 chuyên đề; ban hành 01 pháp lệnh và trên 260 nghị quyết, trong đó có một số nghị quyết quan trọng để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh của thực tiễn; tổ chức thành công 01 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo hình thức trực tuyến.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp của Văn phòng Quốc hội tiếp tục có những cải tiến trên tinh thần bám sát thực tiễn, đề cao trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Quốc hội kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp; góp phần hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, tăng tính chủ động, sự kỹ lưỡng, khả năng dự báo để tham mưu điều chỉnh linh hoạt các hoạt động giám sát cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần hoàn thành Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.

Trong tham mưu, phục vụ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Văn phòng Quốc hội đã chú trọng nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng tham mưu các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các vấn đề được xem xét, quyết định đều là những nội dung thiết thực, có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như việc bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19,… Từng nội dung được tham mưu xem xét, cân nhắc thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm dân chủ, công khai và đạt được sự đồng thuận cao.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại có nhiều sáng tạo, linh hoạt, với các phương thức, cách làm mới, bảo đảm trọng thị, xứng tầm, để lại ấn tượng tốt đẹp, góp phần củng cố thắt chặt, quan hệ đối tác, hữu nghị truyền thống, tăng cường và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước nói chung cũng như giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước nói riêng.

Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, trong năm 2020, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Ban điều phối các dự án hợp tác quốc tế triển khai thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội mang lại hiệu quả thiết thực, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tiếp tục phát huy tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với cử tri và Nhân dân. Văn phòng Quốc hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tham mưu, phục vụ việc tiếp công dân tại Trung ương và địa phương bảo đảm nghiêm túc, chu đáo; phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải thích gắn với lắng nghe, vận động, thuyết phục công dân tuân thủ quy định của pháp luật. Công tác phối hợp phục vụ bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân được triển khai chu đáo, kịp thời, bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác năm 2020; lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội hoàn thành chương trình, nội dung các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm chất lượng, tiến độ; cho ý kiến về một số nội dung công tác cán bộ thuộc thẩm quyền theo đúng hướng dẫn, quy định.

Trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Văn phòng Quốc hội chủ động tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch và các văn bản liên quan để chuẩn bị, tiến hành tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội; phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; tham mưu xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.

Công tác tổ chức, cán bộ luôn được quan tâm, chú trọng, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; quản lý, sử dụng người lao động tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của người đứng đầu, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường, đề cao tính chủ động, trách nhiệm và tinh thần phối hợp. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động được quan tâm, thực hiện đầy đủ, thường xuyên.

Hoạt động thông tin, báo chí bảo đảm đúng định hướng, tôn chỉ, mục đích, ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác với hình thức phong phú, bao quát toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng như các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Công tác cung cấp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội được đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động nghiên cứu được tăng cường, góp phần hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ. Lầu tiên đã tổ chức biên dịch 96 luật nước ngoài liên quan đến nội dung trình Quốc hội; đồng thời thường xuyên thu thập, bổ sung, lưu trữ, xử lý vốn tài liệu; tổ chức quản trị, nâng cấp trang thông tin điện tử và các phần mềm của Thư viện Quốc hội. Thực hiện cung cấp thông tin cho công dân theo đúng quy định.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội có những đột phá, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Quốc hội điện tử. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin được nâng cấp mạnh mẽ, góp phần phục vụ hiệu quả các kỳ họp, phiên họp, hội nghị trực tuyến. Đã thực hiện ghi âm, gỡ băng với gần 9.000 trang văn bản.

Ngoài ra, công tác quản trị, tài chính, lễ tân được triển khai nghiêm túc, chu đáo, đúng quy định, kịp thời và tiết kiệm. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm chỉ đạo và thực hiện sát sao. Thực hiện tốt việc thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ trong từng khâu.Công tác Đảng - đoàn thể đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác tác thi đua, khen thưởng được duy trì có nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm bám sát các sự kiện chính trị và đặc thù của cơ quan.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020 đã được nhận danh hiệu Cờ thi đua của Văn phòng Quốc hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo tổng kết của Văn phòng Quốc hội cũng nêu một số khó khăn, hạn chế trong năm 2020. Đó là công tác tham mưu, phục vụ triển khai hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội có lúc bị gián đoạn, hoãn, lùi hoặc hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu và bổ sung gấp nhiều nội dung vào chương trình phiên họp, kỳ họp tiếp tục gây khó khăn, bị động trong công tác tham mưu, phục vụ thẩm tra.

Việc tham mưu, phục vụ chuẩn bị một số nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai một số nhiệm vụ khác còn chưa được toàn diện, sâu sắc, chất lượng chưa được như mong muốn. Có lúc, có nội dung tham mưu còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao.

Công tác phục vụ có việc chưa chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả; việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách ở một số đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên. Một số tổ chức đoàn thể hoạt động còn ít, chưa phong phú.

Một số đơn vị còn thiếu nhân lực so với chỉ tiêu biên chế được giao, có những vị trí phải kiêm nhiệm, một số chức danh chưa được kiện toàn. Một bộ phận công chức, viên chức, người lao động còn hạn chế về năng lực công tác, chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tự giác trong triển khai công việc; chưa chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương.

Mặc dù đã ban hành nhiều quy chế, quy định, quy trình quản lý, triển khai hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực nhưng một số văn bản chậm được ban hành để phù hợp với quy định mới và thực tiễn công tác của Văn phòng. Chưa số hóa công tác quản lý tài sản, chưa xem xét chặt chẽ khấu hao tài sản.

Năm 2021, Văn phòng Quốc hội tập trung triển khai 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra, đòi hỏi Văn phòng phải tiếp tục kế thừa và phát huy kinh nghiệm, tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ. Đặc biệt là cần chủ động tham mưu, phục vụ công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức phục vụ tốt 3 kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Văn phòng Quốc hội sẽ tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

1. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ, bảo đảm thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2021 và dự kiến chương trình năm 2022 cũng như hoạt động lập pháp, giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

2. Phối hợp tham mưu, phục vụ việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022; các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về: phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; các đề án, chương trình và một số vấn đề quan trọng khác.

3. Phối hợp tham mưu, phục vụ triển khai chương trình hoạt động đối ngoại và công tác điều hòa, phối hợp hoạt động đối ngoại bảo đảm hài hòa, phù hợp với hoạt động đối ngoại của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

4. Tăng cường phối hợp tham mưu, phục vụ việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

5. Phối hợp tham mưu, phục vụ Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

6. Phối hợp tham mưu, phục vụ Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung theo Chương trình công tác năm 2021, nhất là liên quan đến công tác cán bộ thuộc thẩm quyền.

7. Tập trung triển khai thực hiện tốt các Luật, Nghị quyết mới được ban hành liên quan đến tổ chức bộ máy. Phối hợp chuyển giao cơ sở vật chất, kinh phí, công chức, người lao động của 51 Văn phòng Đoàn về địa phương, bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động hiệu quả. Sớm ban hành quy định để có căn cứ thực hiện việc luân chuyển, điều động công chức, viên chức trong nội bộ cơ quan nhằm cọ xát, tích lũy kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực công tác.

8. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập phương thức làm việc trên môi trường mạng, sớm xây dựng Văn phòng Quốc hội điện tử để đáp ứng yêu công việc và phù hợp với xu thế.

9. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội, chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin; cải tiến công tác hành chính, tổng hợp, thư viện, lễ tân, tài chính, quản trị,... bảo đảm phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

10. Tham mưu giúp Đảng ủy cơ quan xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết và văn bản quan trọng khác của tổ chức đảng cấp trên, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đảng viên; thực hiện tốt công tác đảng vụ, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát.

11. Tiếp tục quan tâm, chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng.

Bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các ý kiến đại diện cho các đơn vị, Đoàn Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo tổng kết của Văn phòng Quốc hội về kết quả đạt được cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021. Các ý kiến phát biểu cũng đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Quốc hội như thử nghiệm bổ nhiệm cán bộ theo hình thức thi tuyển; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; sớm hoàn thành chuyển giao nhân lực và cơ sở, trang thiết bị của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội về các địa phương quản lý; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin tiến tới xây dựng Quốc hội điện tử…

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã trao các danh hiệu cho các tập thể, cá nhân của Văn phòng Quốc hội có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Cụ thể, 02 tập thể được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ; 03 tập thể, 02 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 12 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Văn phòng Quốc hội; 87 tập thể lao động xuất sắc và 44 tập thể lao động tiên tiến cũng được vinh danh tại Hội nghị. Ngoài ra, 02 công đoàn trực thuộc Văn phòng Quốc hội đã được nhận Giải thưởng Gương mặt của năm 2020 do Công đoàn Viên chức Việt Nam trao tặng.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát động phong trào thi đua năm 2021 của Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu phát động phong trào thi đua năm 2021, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2020, phong trào thi đua yêu nước của Văn phòng Quốc hội có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới cả về nội dung và hình thức, phù hợp với lĩnh vực công tác. Phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, góp phần giúp Văn phòng Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan biểu dương,  khen thưởng. Các danh hiệu, phần thưởng của tập thể, cá nhân đạt được là kết quả cống hiến, sự ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu liên tục; đồng thời khích lệ, cổ vũ, động viên Văn phòng Quốc hội tiếp tục thi đua, phấn đấu trong năm tới.

Thay mặt lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chúc mừng thành tích các tập thể, cá nhân đạt được trong năm 2020; đồng thời nhấn mạnh năm 2021 là năm đầu triển khai nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới, nhất là triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; đây cũng là năm đầu tien triển khai nhiệm vụ của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10. Phát huy thành quả đạt được và văn cứ vào mục tiêu, phương hướng thi đua giai đoạn 2020 - 2025 đã được xác định tại Đại hội Thi đua yêu nước của Văn phòng Quốc hội, thay mặt lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát động phong trào thi đua khen thưởng năm 2021 với chủ đề “Gương mẫu thực hiện văn hóa công vụ, công sở trong công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội”. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kêu gọi các khối thi đua, cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong Văn phòng Quốc hội quyết tâm chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao./.

Lan Hương - Minh Thành