TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

17/08/2018

Ngày 17/8, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức tọa đàm về Dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIV tại phiên họp tháng 9. Vì vậy, trước khi Ban chỉ đạo cho ý kiến và hoàn chỉnh các văn bản, Ban soạn thảo Đề án tổ chức cuộc tọa đàm mong muốn nhận được nhiều ý kiến hay, hữu ích, nhất là từ những đại biểu có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động của Quốc hội, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án.

Đánh giá quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội từ khóa XIII, Ban soạn thảo Đề án cho biết, ngày 21/6/2012, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực: hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, tổ chức kỳ họp Quốc hội, tổ chức Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, công tác đảm bảo hoạt động của Quốc hội. Nhờ đó, trong thời gian qua, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội đã từng bước được nâng lên. Cụ thể: Quốc hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân; vừa nâng cao chất lượng hoạt động, vừa đảm bảo số lượng công việc cần thiết theo yêu cầu và tiết kiệm được thời gian làm việc của Quốc hội. Đồng thời kế thừa và phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được của các khóa Quốc hội trước đây; phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các nhà khoa học và Nhân dân.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra một số ý kiến

Tuy nhiên, Ban soạn thảo Đề án cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Quốc hội trong thời gian vừa qua cũng còn tồn tại không ít nhưng hạn chế, khó khăn nhất định: việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa nghiêm; việc tiếp thu, chỉnh lý rà soát kỹ thuật văn bản trước và sau khi thông qua còn vướng mắc; việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; điều kiện, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm còn ít, đại biểu chuyên trách có tăng nhưng chưa đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao.

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ khóa XIV- những kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và các nguyên nhân chủ yếu; giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thảo luận, tranh luận tại kỳ họp; rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước và sau khi biểu quyết thông qua…

Các đại biểu thảo luận tại tọa đàm

Có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, qua thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri cho thấy, tại một số địa phương, trước và sau kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại các điểm khác nhau. Điều này đã dẫn đến tình trạng cử tri tại nơi tiếp xúc trước kỳ họp không biết được kiến nghị của mình được đại biểu Quốc hội phản ánh và giải quyết thế nào. Do đó, các đại biểu đề nghị nên nghiên cứu theo hướng, trước và sau kỳ họp tiếp xúc cử tri tại cùng một điểm; tăng cường việc thông tin, tuyên truyền về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận định, hoạt động của Quốc hội ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, các tầng lớp nhân dân. Thực tiễn một số kỳ họp cho thấy, cử tri có nguyện vọng đóng góp ý kiến về các nội dung Quốc hội đang xem xét; mặc khác, việc tăng cường thông tin giúp cử tri và Nhân dân hiểu rõ và hiểu đúng về hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội theo hướng tăng cường hơn nữa việc truyền hình trực tiếp các nội dung của kỳ họp Quốc hội; tăng thời lượng truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên thảo luận tại hội trường về các dự án luật có tính chất quan trọng.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cảm ơn những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tham dự; khẳng định vấn đề thảo luận tại tọa đàm là những nội dung đổi mới thiết thực, có tính khả thi cao, tập trung cải tiến cách thức thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau buổi tọa đàm, Ban soạn thảo Đề án khẩn trương hoàn thiện đề án và dự thảo, gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để đưa ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 và trình ra Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội vào tháng 10 tới đây.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh