HỘI NGHỊ THÔNG BÁO NHANH KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA XII

18/05/2018

Sáng 18/5, tại Nhà Quốc hội, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII cho các cán bộ, đảng viên Văn phòng Quốc hội.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo, Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo và cấp ủy các cơ quan, đơn vị và đảng viên cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội

Báo cáo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện chương trình làm việc toàn khóa từ ngày 7-12/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Hội nghị đã thảo luận cho ý kiến về các nội dung quan trọng gồm: Đề án về tập trung xây dựng đội ngũ cán bố các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Hội nghị còn cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; một số vấn đề về công tác cán bộ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII có 226 đại biểu tham dự gồm 177 ủy viên Trung ương Đảng chính thức, 20 ủy viên dự khuyết và 29 khách mời. Đây  là hội nghị thường kỳ có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để chuẩn bị cho các hội nghị Trung ương tiếp theo.

Hội nghị diễn ra trong 06 ngày và đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ các nội dung chương trình đề ra. Đại biểu dự hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn trong thảo luận ý kiến đóng góp vào các báo cáo.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao thông qua 3 Nghị quyết quan trọng gồm: Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Cán bộ, đảng viên cơ quan Văn phòng Quốc hội tích cực tham dự hội nghị

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những đổi mới trong hoạt động của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII là công tác báo chí thông tin tuyên truyền. Theo đó, tại các phiên thảo luận hội trường, báo chí đều được vào dự đưa tin, thể hiện tính dân chủ ở cấp cao ngay trong Trung ương. Trước, trong và sau khi Hội nghị kết thúc, các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đã chủ động tuyên truyền về các nội dung chủ yếu được thảo luận và thông qua tại Hội nghị, phản ánh khách quan toàn diện các nội dung của Hội nghị.

Hội nghị Trung ương 7 cũng đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, trọng tâm tập trung vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và đội ngũ bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Cụ thể là đánh giá cán bộ cần khách quan, chính xác, nhiều chiều; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền tại các cơ quan đơn vị; từng bước thực hiện nguyên tắc Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân, để nhân dân tham gia xây dựng Đảng...

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì hội nghị

Về tiêu chuẩn và cơ cấu cán bộ, Trung ương nhấn mạnh cả đức và tài, trong đó tài là điều kiện cần, đức là quan trọng, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ càng cao, đức càng phải lớn. Cần có cơ chế phân biệt bằng cấp với kiến thức, năng lực thực sự của cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, chức danh; xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (bao gồm cả trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng,…). Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số có cơ cấu, tỷ lệ hợp lý. Đặc biệt, Trung ương nhấn mạnh quyết tâm chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ. 

Về Đề án cải cách chính sách tiền lương, Trung ương nhận định, cải cách tiền lương phải dựa trên tiền đề nâng cao năng suất lao động, tinh giản bộ máy, biên chế. Tiền lương phải bảo đảm nuôi sống người lao động và gia đình họ. Về lộ trình, đến năm 2020, tập trung vào điều chỉnh tiền lương, từ năm 2021, áp dụng chế độ lương mới theo nguyên tắc phù hợp với vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, quản lý; lương mới bảo đảm không thấp hơn lương hiện tại. Theo đó, sẽ có 5 bảng lương, bao gồm bảng lương cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; bảng lương cho ngạch công chức, viên chức không phải là cán bộ lãnh đạo, quản lý và 3 bảng lương cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tỷ lệ tiền lương - phụ cấp ở mức 70% - 30%; quỹ thưởng ở mức 10%.

Nguồn lực để cải cách tiền lương từ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; từ tiết kiệm qua tinh giản bộ máy, biên chế; từ nguồn tăng thu ngân sách và thực hiện khoán quỹ lương. Đối với lĩnh vực sự nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển từ phí dịch vụ sang giá, qua đó, tạo nguồn cho quỹ lương. Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện quan hệ tiền lương theo nguyên tắc thị trường.

Lãnh đạo cơ quan Văn phòng Quốc hội tham dự hội nghị

Về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Trung ương nhận định bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội có nhiều bất cập, cụ thể, số người tham gia còn thấp, số người rút bảo hiểm để nhận một lần tăng cao. Quỹ bảo hiểm xã hội khó cân đối trong dài hạn vì tuổi thọ người dân tăng nhanh, tuổi nghỉ hưu thấp và chậm được sửa đổi. Chính sách bảo hiểm xã hội còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, mà chưa chú ý đến nguyên tắc chia sẻ. Bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự là công cụ quản lý thị trường lao động như hỗ trợ phục hồi việc làm cho người thất nghiệp hay bảo đảm cho người lao động luôn có việc làm. Tình trạng trốn, nợ, trục lợi bảo hiểm có xu hướng ngày càng phức tạp.

Để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột của an sinh xã hội, cần phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ; phát triển hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế. Những điểm mới của chính sách bảo hiểm xã hội bao gồm: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, toàn diện, bao phủ (gồm lương hưu xã hội, bảo hiểm cơ bản và bảo hiểm hưu trí bổ sung); sửa đổi thời gian bắt buộc tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu, từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm; điều chỉnh công thức tính lương hưu; hỗ trợ người nghèo tham gia bảo hiểm xã hội,…

Kết thúc Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương của Ban Cán sự Đảng, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến các nội dung của Hội nghị Trung ương 7 đến toàn thể cán bộ, đảng viên; đồng thời nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong đó, chú trọng tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ, gắn với các nội dung của Hội nghị Trung ương 7, từ đó tham mưu, phục vụ tốt hơn các hoạt động của Quốc hội./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh