THỰC HÀNH XỬ LÝ SỰ CỐ TRUYỀN THÔNG: PHÒNG NGỪA HƠN XỬ LÝ

04/05/2018

Tiếp tục chương trình tập huấn về kỹ năng tương tác với báo chí và xử lý sự cố truyền thông trong hoạt động của Quốc hội, chiều 04/5, lớp tập huấn tiếp tục với chủ đề sự cố truyền thông và thực hành xử lý sự cố truyền thông.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Tập trung trao đổi về chủ đề “sự cố truyền thông”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - CEO Công ty Le Group, Chuyên gia Dự án USAID GIG Lê Quốc Vinh cho rằng, các sự cố truyền thông có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho cơ quan, đơn vị có liên quan, làm gián đoạn hoạt động trơn tru của tổ chức, đơn vị mà còn gây ra mối đe dọa cho danh tiếng của tổ chức, đơn vị đó. Do vậy, việc quan tâm tới việc phòng ngừa và xử lý các sự cố truyền thông là điều rất cần thiết.

Hành động ngay khi xảy ra sự cố

Với sức lan tỏa và tác động rộng lớn của thông tin trên mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức cần phải chuẩn bị tốt để đối mặt khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, khi có sự cố truyền thông, các thành viên trong tổ chức phải lập tức hành động ngăn chặn ngay tại thời điểm sự cố xảy ra để ngăn chặn hoặc xoay ngược sự lan tỏa của thông tin bất lợi.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị - CEO Công ty Le Group, Chuyên gia Dự án USAID GIG Lê Quốc Vinh trình bày tham luận

Bên cạnh đó, sử dụng mọi phương tiện truyền thông có thể để đưa ra tranh luận hoặc nghi vấn về nguồn tin của thông tin bất lợi.

Phòng ngừa hơn xử lý

Theo tham luận của Chủ tịch Hội đồng Quản trị - CEO Công ty Le Group, Chuyên gia Dự án USAID GIG Lê Quốc Vinh, có 04 giai đoạn xử lý sự cố truyền thông mà các cơ quan, tổ chức nên lưu ý đó là: nhận diện sự cố, lập kế hoạch đáp trả sự cố, đối diện giải quyết hậu quả của sự cố, khôi phục sau khủng hoảng.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại buổi tập huấn

Tuy nhiên, phương pháp quản trị rủi ro và xử lý sự cố truyền thông tích cực nhất chính là phòng tránh để nó không xảy ra, bởi xử lý các sự cố truyền thông là công việc rất vất vả và cần sự đầu tư bài bản bao gồm chiến lược cả chiến thuật nhằm đảm bảo sự thông nhất, nhất quán thông điệp truyền ra bên ngoài công chúng. Quan trọng nhất là tổ chức, cơ quan cần nhìn nhận rõ các vấn đề có thể phát sinh, nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa.

Cùng với đó, mỗi một cơ quan, tổ chức cần thiết lập một bộ máy chuyên trách, được đào tạo các kỹ năng cần thiết cũng như kinh nghiệm xử lý tình huống. Bộ máy này phải đủ chặt chẽ để hoạt động chuyên nghiệp, đủ linh hoạt để ứng phó với khác tình huống phát sinh mới.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi ý kiến về quy trình quản trị rủi ro và thực hành xử lý sự cố truyền thông qua các tình huống cụ thể.

Thu Phương