Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công làm việc với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội

27/11/2017

Chiều 27/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã làm việc với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy chủ trì buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức là đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, về thực trạng chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức là đại biểu Quốc hội từ năm 2004 đến nay, cũng như những bất cập, hạn chế trong chính sách tiền lương, cải cách tiền lương đòi hỏi phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, đề xuất phương hướng sửa đổi phù hợp với xu thế và tình hình thực tế hiện nay; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy hoàn thành tốt công tác chuyên môn. Tiền lương cán bộ, công chức phải đặt trong tương quan với tiền lương chung của cả hệ thống chính trị. Xác định lại nguyên tắc trả lương, làm công việc gì hưởng lương theo công việc đó, làm ở ngạch chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ nào thì xếp lương theo ngạch chuyên môn hoặc chức vụ đó, phù hợp với tư duy, quy định đổi mới của Đề án cải cách chế độ tiền lương.

Việc cải cách chính sách tiền lương đối với đại biểu Quốc hội phải bảo đảm tính đặc thù của các cơ quan trong hệ thống thang bảng lương, nâng mức lương cơ sở, nâng hệ số lương, nâng khoảng cách co dãn giữa các bậc lương trong ngạch lương chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, bổ sung cách tính tự động tiền lương tăng thêm nếu phát sinh lạm phát, trượt giá, góp phần bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công chức.

Đánh giá tình hình thực hiện chính sách lương đối với cán bộ, công chức là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cho rằng, mặc dù chính sách tiền lương đã được cải cách nhiều lần, nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương, phát huy năng lực chuyên môn và cống hiến. Mức tiền lương thấp không kích thích được cán bộ, công chức và người lao động gắn bó với công việc, không thu hút được nhân tài, dẫn đến hiện tượng người có năng lực chuyên môn chuyển ra làm đơn vị doanh nghiệp để có mức thu nhập cao hơn. Mặt khác, mức tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên dân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng…

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản đề nghị, cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, người lao động sống được bằng lương. Trên cơ sở đó, hình thành các cơ chế tiền lương hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp, ngày càng phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo động lực nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ, các quyết sách về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công sẽ được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Đây là lĩnh vực khó, tác động đến hàng triệu người, do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm việc với nhiều cơ quan, ban, ngành nhằm đưa ra chính sách cải cách phù hợp với tình hình thực tiễn, trả lương phù hợp với chức vụ và vị trí việc làm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, chính sách tiền lương có thể thiết kế theo hệ số như hiện nay, hoặc có mức lương tuyệt đối, tiền lương phải gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, tránh hiện tượng bình quân, cào bằng; đồng thời cần trả lương theo khả năng cân đối ngân sách ở các địa phương.         

Vân Ngọc