Tọa đàm trao đổi về thông tin công chúng của Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội Việt Nam

06/12/2016

Sáng 6/12, tại trụ sở làm việc, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Dự án JICA khai mạc Tọa đàm trao đổi về thông tin công chúng của Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu; Trưởng ban cố vấn JICA Tsuboi Yoshiharu đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu khai mạc                                 Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nêu rõ: Công tác thông tin công chúng là một lĩnh vực hết sức quan trọng của Quốc hội. Thông tin công chúng không chỉ giúp người dân hiểu về Quốc hội, mà còn bảo đảm điều kiện để cử tri được cung cấp thông tin, theo dõi các hoạt động của Quốc hội, để từ đó chủ động và tích cực tham gia ý kiến xây dựng và thực thi chính sách do Quốc hội ban hành.

Trong những năm gần đây, công tác thông tin công chúng của Quốc hội đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Báo chí ngày càng được quan tâm và tạo điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận và đưa tin về Quốc hội. Từ tháng 3/2010, Trang thông tin hỏi- đáp giữa đại biểu Quốc hội với cử tri đã được đưa vào sử dụng - một công cụ trực tuyến cho phép người dân kết nối với đại biểu Quốc hội qua hình thức hỏi-đáp hai chiều. Kênh truyền hình Quốc hội được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2015 như là một kênh truyền hình chuyên biệt về Quốc hội; Cổng thông tin điện tử Quốc hội được khai trương từ tháng 4 năm 2015 để góp phần chuyển tải kịp thời và đầy đủ thông tin về hoạt động của Quốc hội đến với công chúng. Chương trình khách tham quan Nhà Quốc hội mới cũng đã được triển khai từ tháng 3/2015, chỉ một thời gian ngắn sau khi Nhà Quốc hội mới được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đây có thể xem là những dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng một Quốc hội Việt Nam công khai, minh bạch, dân chủ và gần dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam vẫn còn những khó khăn thách thức cụ thể như: hoạt động Thông tin công chúng còn thiếu định hướng chiến lược; chính sách và pháp luật hiện hành về công tác Thông tin công chúng của Quốc hội còn chưa đầy đủ; các phương thức thông tin chưa được triển khai đồng đều và chưa thường xuyên; hoạt động Thông tin công chúng do nhiều bộ phận thực hiện và giữa các bộ phận này thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ theo một một định hướng chiến lược chung; nhân lực làm công tác Thông tin công chúng hiện nay còn yếu và mỏng.

Tọa đàm này là dịp để các cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội tiếp xúc và trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước về kinh nghiệm triển khai các hoạt động Thông tin công chúng của Quốc hội, cũng như thảo luận, đề xuất những kiến nghị hoàn thiện lý luận và đẩy mạnh hoạt động Thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng, thông tin công chúng có thể được thực hiện thông qua nhiều hoạt động khác nhau, rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Tọa đàm lần này, để có điều kiện trao đổi kỹ lưỡng về các khía cạnh của vấn đề và cách thức tổ chức thực hiện, Tọa đàm được giới hạn ở 3 nội dung chính. Sau phần trao đổi những vấn đề chung về thông tin công chúng của Quốc hội, Tọa đàm sẽ tập trung trao đổi, thảo luận vào nội dung quản lý hệ thống phát thanh, truyền hình ở Tòa nhà Quốc hội và việc vận hành Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Đối với các nội dung liên quan tới các hoạt động khác trong hệ thống Thông tin công chúng của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ có các đề xuất để tiến hành trong các chương trình hợp tác với Dự án JICA năm 2017 và trong các năm tiếp theo.

Trong khuôn khổ 1,5 ngày, Tọa đàm sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục làm rõ những vấn đề lý luận về thông tin công chúng của Quốc hội. Như chúng ta biết, cho đến nay ở Việt Nam, thông tin công chúng của Quốc hội vẫn còn được xem là một lĩnh vực mới, chưa có một định nghĩa chính thức về thông tin công chúng của Quốc hội. Tại cuộc Tọa đàm này, các đại biểu sẽ trao đổi để làm rõ và thống nhất về một số khái niệm về thông tin công chúng của Quốc hội, các yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội; các phương thức thực hiện (các kênh thông tin) trong hệ thống Thông tin công chúng của Quốc hội. Đây là việc làm cần thiết, nền tảng cho việc triển khai các hoạt động cụ thể trong công tác thông tin công chúng. Về vấn đề này, cùng với những chia sẻ từ những nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia của Nhật Bản, Văn phòng Quốc hội rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của các chuyên gia trong nước để có thể làm rõ và đầy đủ hơn các khía cạnh lý luận của công tác thông tin công chúng.Từ đó có cơ sở thuyết phục để đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội trong việc tăng cường công tác Thông tin công chúng của Quốc hội trong thời gian tới.

Thứ hai, các chuyên gia là những người đang làm công tác thực tiễn tại Văn phòng Hạ viện Nhật Bản, sẽ chia sẻ các hoạt động thông tin công chúng đang triển khai tại Nhật Bản, như những thông tin khái quát về các kênh thông tin công chúng chủ yếu tại Quốc hội Nhật Bản; về tổ chức và hoạt động của Cổng thông tin điện tử Quốc hội và về tổ chức quản lý, vận hành hệ thống trang thiết bị ghi âm, ghi hình, lưu trữ và truyền dẫn phục vụ công tác phát thanh, truyền hình về các hoạt động của Quốc hội, là những vấn đề mà Quốc hội Nhật Bản rất có kinh nghiệm.

Thứ ba, một số vấn đề về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở xem xét thảo luận về những khó khăn thách thức đối với công tác thông tin công chúng hiện nay,Tọa đàm sẽ giúp đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể trong tổ chức thực hiện các hoạt động Thông tin công chúng. Trong thời gian vừa qua, đã có những quy định mới được bổ sung vào chính sách thông tin công chúng của Quốc hội Việt Nam như trong Luật tổ chức Quốc hội 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng Nhân dân năm 2015, Nội quy kỳ họp Quốc hội và đặc biệt là Luật tiếp cận thông tin mới được ban hành. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Bên cạnh đó, thông qua Tọa đàm, các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc tăng cường tổ chức thông tin trên Cổng thông tin điện tử Nghị viện; các dịch vụ Thông tin công chúng được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử Nghị viện; các biện pháp lưu trữ, bảo đảm an toàn mạng và an ninh thông tin; kinh nghiệm quản lý hệ thống hạ tầng trang thiết bị, công tác phối hợp với các cơ quan đơn vị hữu quan để phục vụ công tác phát thanh, truyền hình về Quốc hội trong Tòa nhà Quốc hội.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Trưởng ban cố vấn JICA Tsuboi Yoshiharu cho rằng, việc tuyên truyền thông tin về các hoạt động của các đại biểu Quốc hội và của  Quốc hội Việt Nam đến với cử tri và nhân dân cả nước là vô cùng quan trọng và cần thiết. Qua Tọa đàm này, với việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội Việt Nam, hi vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội tại Việt Nam. Nhật Bản đã cử 3 chuyên gia để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động thông tin công chúng và cách thức chuyển tải các kỳ họp của Quốc hội đến với người dân.

Trưởng ban cố vấn JICA Tsuboi Yoshiharu hi vọng Tọa đàm này sẽ là nền móng cho nhiều dự án hợp tác tiếp theo giữa Văn phòng Quốc hội và JICA trong thời gian tới.

Đặng Mai