Tọa đàm với báo chí về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

09/10/2015

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện năm 2015 (GIG), sáng 9/10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Dự án GIG tổ chức Tọa đàm với báo chí về "Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân". Đây là dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến chủ trì Tọa đàm.

Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu khai mạc Tọa đàm                                Ảnh: Đình Nam

Tham gia tọa đàm còn có các đại biểu Quốc hội, cán bộ Văn phòng Quốc hội và đông đảo phóng viên báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, giám sát là một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội. Tọa đàm nhằm cung cấp cho các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương các thông tin chính thức về quá trình xây dựng dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; các nội dung cơ bản của dự thảo Luật trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Đây cũng là dịp để thấy được vai trò của báo chí trong hoạt động giám sát của Quốc hội mà trước hết là thảo luận và thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chia sẻ tổng quan về dự thảo Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, việc xây dựng dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất các quy định của dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với các quy định của các luật hiện hành.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến phát biểu tại Tọa đàm

Việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiến hành đồng bộ và phù hợp với những đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương... Đồng thời kế thừa và phát huy những quy định pháp luật hiện hành về giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả.

Dự thảo Luật xác định một cách khoa học, hợp lý các chủ thể giám sát, hình thức giám sát, trình tự tiến hành giám sát và thẩm quyền giám sát cụ thể của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cũng như đối tượng, phạm vi giám sát nhằm phát huy vai trò của từng chủ thể giám sát, bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và chủ thể chịu sự giám sát.

Trao đổi tại Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đặt vấn đề, Quốc hội là giám sát tối cao thì ai giám sát Quốc hội nếu như không phải là người dân thông qua kênh báo chí. Do đó, vai trò của báo chí trong hoạt động của Quốc hội là cần thiết và quan trọng.

Liên quan đến nội dung dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận xét, dự thảo Luật đã có sự bổ sung cần thiết nội dung xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Dẫn ra nhiều ví dụ thực tiễn trong quá trình thực hiện giám sát của Ủy ban, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhận định việc thực hiện các quy định của dự thảo Luật trên thực tế không phải là đơn giản bởi các quy định của pháp luật về thẩm quyền hiện nay là không rõ ràng và nhiều quy định chưa có hướng dẫn thi hành kịp thời. Do đó, cần tiến hành xem xét, rà soát đồng bộ các quy định trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Tọa đàm

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa- TP. Hồ Chí Minh chia sẻ hai vấn đề, mục đích xây dựng luật là mong muốn hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trở nên thực chất hơn và có cần thiết luật hóa vai trò của báo chí trong luật giám sát không.

Đại biểu Lê Nam- Thanh Hóa cho rằng, hiệu quả của hoạt động giám sát không bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật mà do hạn chế trong bộ máy, năng lực và điều kiện của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vấn đề không chỉ là quy định pháp luật mà ở thể chế, cơ cấu bộ máy thực hiện. Đặc biệt, hoạt động giám của cơ quan dân cử không hướng đến trừng phạt mà mong muốn gây ảnh hưởng đến chủ thể chịu giám sát nhằm thay đổi tích cực trong điều hành của cơ quan hành pháp, của chính quyền địa phương.

Đại biểu Bùi Thị An- Hà Nội kiến nghị, cần có quy định về hậu giám sát, bổ sung vào điều 90 của dự thảo Luật cơ chế kiểm tra thực hiện kết luận giám sát. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân trong quá trình giám sát, cần nghiên cứu để có được thông tin chuẩn, chính xác trong quá trình thực hiện giám sát.

Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại Tọa đàm

Trao đổi với các đại biểu tại Tòa đàm, nhiều phóng viên đã thẳng thắn đưa ra ý kiến về hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực song vẫn cần có những đổi mới thiết thực hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước. Các phóng viên bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có sự chủ động hơn trong tiếp cận các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát.

Bảo Yến