Thể lệ Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”

03/09/2015

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2016), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Ban Tổ chức Công bố Thể lệ Giải Báo Chí "70 năm Quốc hội Việt Nam" như dưới đây. Xin trân trọng kính mời các cơ quan báo chí, các quý bạn đọc tham dự cuộc thi.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí "70 năm Quốc hội Việt Nam"

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Giải báo chí được tổ chức để góp phần nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền về đề tài Quốc hội; lồng ghép với việc tuyên truyền thực hiện Hiến pháp năm 2013; ghi nhận thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua; từ đó khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng tốt về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

- Nâng cao nhận thức của người dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội, góp phần cổ vũ, động viên nhân dân cả nước phát huy truyền thống thi đua, lao động sản xuất, học tập và công tác nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

- Tổ chức Giải Báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam” phải đảm bảo hiệu quả, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TÁC PHẨM DỰ GIẢI

1. Nội dung

Các tác phẩm tham dự Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam” cần phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả các nội dung sau đây:

a. Phản ánh và phân tích về quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội;

b. Thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật; tác động từ hoạt động của Quốc hội đối với thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; về những kết quả của hoạt động ngoại giao Nghị viện và hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam;

c. Phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

d. Biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc có đóng góp lớn trong hoạt động của Quốc hội;

e. Góp phần nâng cao hình ảnh của Quốc hội trong công chúng, tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong đời sống chính trị-xã hội và tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội.

2. Hình thức tác phẩm dự Giải

  • Loại hình báo chí dự Giải gồm: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
  • Thể loại báo chí dự Giải: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, bài chân dung, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu truyền hình.
  • Tác phẩm phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao về nội dung và hình thức thể hiện.

3. Một số vấn đề cần lưu ý

  1. Tác phẩm báo in có thể gửi nguyên bản gốc hoặc bản photo, ghi rõ tên báo, tên tác giả và thời gian đăng tải. Không nhận tác phẩm đánh máy lại.
  2. Tác phẩm báo điện tử phải được in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, tên tác giả và thời gian đăng tải, có hình giao diện của báo, đường link của bài.
  3. Tác phẩm phát thanh phải ghi lên đĩa CD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng phổ thông.
  4. Tác phẩm truyền hình phải ghi lên đĩa VCD hoặc DVD, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng phổ thông.
  5. Thời lượng các tác phẩm phát thanh và truyền hình, tác phẩm dài nhất không quá 60 phút.
  6. Mỗi tác phẩm là một tin hoặc một loạt tin (không quá 05 tin), một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài và thực hiện bằng cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng báo khác nhau, không có tên loạt bài.
  7. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
  8. Tác phẩm dự Giải không trả lại tác giả; Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.

III. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI

- Các tác phẩm báo chí đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 01/01/2014 đến 31/10/2015 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí.

- Những tác phẩm đã được trao giải thưởng ở các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương vẫn được quyền dự Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”, nhưng cần ghi rõ mức giải và đơn vị đã tổ chức cuộc thi.

- Tác phẩm báo điện tử dự giải phải là tác phẩm sáng tác lần đầu, không phải là phiên bản của báo in.

- Không xem xét tác phẩm dự giải của tác giả vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác.

- Các tác phẩm dự Giải phải có chữ ký xác nhận của lãnh đạo báo, đài hoặc lãnh đạo cấp Hội.

IV. ĐỐI TƯỢNG DỰ GIẢI

- Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (viết bằng tiếng Việt) có tác phẩm báo chí với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài dự Giải.

- Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho nhóm tác giả. Số tác giả của một nhóm tối đa là 07 người.

- Hội Nhà báo Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tạo điều kiện động viên, khuyến khích phóng viên, hội viên lựa chọn tác phẩm gửi dự Giải.

V. THỜI GIAN VÀ ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM DỰ GIẢI

  1. Thời gian nhận tác phẩm

Từ 01/9/2015 đến hết ngày 31/10/2015 (theo dấu Bưu điện).

  1. Địa chỉ nhận tác phẩm

a. Ban Thư ký Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”,

Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ - Hà Nội

ĐT: 04.38.246.530 - 04.3935.1071 – 097.262.8386

b. Hoặc Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội

22 Hùng Vương, Ba Đình - Hà Nội, ĐT: 080.46326 - 0912714266

(Ngoài bì ghi rõ: Dự Giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”).

3. Thời gian trao Giải: Dự kiến cuối tháng 12 năm 2015.

VI. GIẢI THƯỞNG

- 04 giải A, mỗi giải 20 triệu đồng.

- 08 giải B, mỗi giải 15 triệu đồng.                                                                       

- 10 giải C, mỗi giải 10 triệu đồng.

- 12 giải khuyến khích, mỗi giải 05 triệu đồng.