Hội thảo về tổ chức và hoạt động của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội theo Luật tổ chức Quốc hội 2014

15/05/2015

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo về tổ chức và hoạt động của Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội theo Luật tổ chức Quốc hội năm 2014. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có: nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, Bùi Ngọc Thanh; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Mori Mutsuya; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Hội thảo nhằm góp phần hoàn thiện mô hình, chức năng nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc của Quốc hội.

Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Quốc hội với nhiều sửa đổi quan trọng, trong đó lần đầu tiên Luật đã quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan giúp việc của Quốc hội và người đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội là Ban thư ký.

Việc thiết lập chức danh Tổng thư ký và cơ quan Ban thư ký Quốc hội ngoài mục tiêu để phù hợp với thông lệ quốc tế còn mong muốn tổ chức lại các hoạt động tham mưu, hỗ trợ, phục vụ hoạt động Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. 

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội vẫn song song tồn tại, được quy định là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội đều do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Với việc Tổng thư ký Quốc hội đồng thời là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội đều có chức năng tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; nhiệm vụ của Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội có liên quan mật thiết với nhau, cần được phân định rõ.

Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc mong rằng, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có những đóng góp quý báu về lý luận và thực tiễn sâu sắc cho việc xây dựng mô hình Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội cần được xem xét một cách tổng thể, đặc biệt là mối quan hệ với các cơ quan của Quốc hội và với Ban thư ký, cơ quan giúp việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm thống nhất về mặt tổ chức bộ máy, phù hợp với các quy định mới của Luật tổ chức Quốc hội và các chủ trương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Đồng thời, Mô hình tổ chức của Ban thư ký của Quốc hội cần được xây dựng phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao, đáp ứng được yêu cầu hoạt động thường xuyên trong thời gian kỳ họp và giữa hai kỳ họp Quốc hội.

Về mối quan hệ giữa Văn phòng Quốc hội với Ban thư ký, với các cơ quan giúp việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mối quan hệ giữa Ban thư ký với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đề nghị phải được quy định cụ thể, tránh chồng chéo chức năng hoạt động…

Nguyễn Phương - Hồ Hương