Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường... làm việc tại Phú Thọ, Bình Thuận

26/03/2015

Ngày 23 - 25.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014 đã làm việc tại Phú Thọ và Bình Thuận.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, các công ty nông, lâm nghiệp đã xóa bỏ cơ chế bao cấp trong sản xuất, chuyển sang tự hạch toán kinh doanh độc lập theo cơ chế thị trường. Các công ty này cũng thực hiện chức năng trồng rừng, tăng độ che phủ rừng; chăm sóc, khai thác, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật để phát triển, tạo việc làm cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của các công ty lâm nghiệp hiện nay vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đây. Sau khi sắp xếp, đổi mới, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự trở thành động lực chính để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bố lại lao động và dân cư địa phương; việc tự chủ trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế; nhiều diện tích sử dụng chưa hiệu quả; hầu hết các đơn vị sử dụng đất nông, lâm nghiệp có ranh giới không xác định được rõ ràng, chưa cắm được mốc giới cụ thể nên còn tình trạng tranh chấp, vướng mắc với dân; việc tự ý chuyển mục đích, giao đất ở trái thẩm quyền còn xảy ra ở hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp...

Đoàn giám sát đánh giá cao việc UBND tỉnh Phú Thọ đã sớm tiến hành sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh và thẳng thắn chỉ rõ những kết quả, hạn chế trong quản lý đất đai tại các nông, lâm trường. Việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh bước đầu có hiệu quả, tạo thu nhập cho người lao động, bảo vệ tốt môi trường rừng. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng lưu ý việc các nông, lâm trường còn lúng túng trong chuyển đổi mô hình quản lý nên hiệu quả sử dụng đất chưa cao; quản lý đất đai còn một số hạn chế như: chưa hoàn thành đo đạc, cắm mốc giới cho thuê đất; chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường... Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh Phú Thọ cần sớm hoàn thành việc đo đạc lại diện tích đất, cấp quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường trong năm 2015; phân loại diện tích đất, diện tích đất sử dụng không hiệu quả phải thu hồi; thực hiện đúng trách nhiệm quản lý đất đai theo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp.

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty TNHH Chè Yên Sơn thuộc Công ty cổ phần Chè Phú Thọ, UBND huyện Thanh Sơn, Công ty lâm nghiệp Yên Lập thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam và UBND huyện Yên Lập.

Tính đến tháng 10.2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Bình Thuận là hơn 351 nghìn hécta, chiếm 44,98 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng đặc dụng có diện tích 32 nghìn hécta và chủ yếu là rừng tự nhiên, diện tích rừng phòng hộ là 143 nghìn hécta, rừng sản xuất có diện tích hơn 175 nghìn hécta. Triển khai Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị (Khóa IX), Nghị định số 200/2004 của Chính phủ... UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức rà soát kỹ để điều chỉnh hợp lý quy hoạch 3 loại rừng, bố trí mặt bằng quản lý đất lâm nghiệp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất; thông qua Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh ở tỉnh Bình Thuận; ban hành Chỉ thị số 02/2006/CT-UBND ngày 11.5.2006 về việc tăng cường quản lý đất đai ở cấp xã... Đến nay, đã có hơn 20 nghìn hécta đất lâm nghiệp được thu hồi và giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất, canh tác ổn định; trong đó, đã cấp đất ở cho hơn 4 nghìn hộ và cấp đất sản xuất cho 4 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

UBND tỉnh Bình Thuận cũng nêu rõ: mặc dù đã triển khai quyết liệt công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng nhiều biện pháp, song tình hình khai thác lâm sản trái pháp luật, phá rừng, lấn chiếm đất vẫn diễn ra, đặc biệt phức tạp và gay gắt ở một số huyện giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và địa bàn nội địa huyện Tánh Linh. Nhiều đơn vị chưa thống nhất được về cơ chế quản lý, sử dụng rừng, liên kết, hợp tác đầu tư, giao khoán đất lâm nghiệp, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao so với nguồn lực đất đai được giao. Một số công ty lâm nghiệp được chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh đang là đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách, nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ rừng nên khi chuyển sang mô hình và cơ chế mới tự sản xuất kinh doanh, hạch toán độc lập đã gặp không ít khó khăn...

Ghi nhận kết quả Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua, Đoàn giám sát cũng đã đề nghị UBND báo cáo, làm rõ một số vấn đề. Cụ thể là, phân tích và xác định mô hình quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn tỉnh; làm rõ hơn tình hình cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được lấy từ nguồn nào...

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong, UBND huyện Tuy Phong, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Dinh và UBND huyện Tánh Linh.

H. Ngọc - N. Điệp

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác