Điều quan trọng nhất: ĐBQH phải là người đủ tiêu chuẩn, được dân bầu

28/02/2007

Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII . Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh dự kiến cơ cấu ĐBQH vừa được giới thiệu tại hội nghị trên.

- Phóng viên: Trong dự kiến cơ cấu này, có 4 ĐBQH dành cho khối các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó lại chỉ rõ ra 4 cơ quan báo chí có đại biểu (là Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Báo Nhân dân). Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

Ông PHẠM THẾ DUYỆT: Báo chí là một lực lượng quan trọng, vì thế, tôi nghĩ rất cần khuyến khích sự có mặt của họ tại QH. Tuy nhiên, tôi đồng tình với cách như thế nào đó để báo chí thể hiện được đây là một hội quần chúng. Hội Nhà báo Việt Nam là một thành viên của Mặt trận, vì thế có thể tham gia với tư cách là một hội quần chúng thì sẽ thuyết phục hơn. Tôi thấy các báo Đảng, Báo QĐND hoặc nhiều báo khác đều xứng đáng có ĐBQH. Vì vậy, việc chỉ ra 4 báo thành một khối riêng biệt là không nên và việc phân rõ ra 4 báo có ĐBQH càng không nên.

- Phóng viên:  Có ý kiến cho rằng hiện tỷ lệ đảng viên trong QH chiếm tới 90%, còn tỷ lệ người ngoài Đảng rất ít.

Ông PHẠM THẾ DUYỆT: Theo tôi, cơ cấu lãnh đạo của Đảng là Đảng lãnh đạo thông qua đảng viên, thông qua ĐBQH, Đảng đoàn QH. Tuy nhiên, tỷ lệ ĐB ở cơ quan TƯ tham gia QH cũng nên có mức độ, như vậy sẽ phù hợp hơn.

- Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, nên giảm số ĐBQH là thành viên Chính phủ. Vì các thành viên Chính phủ chỉ nên là ĐBQH khi họ ở vị trí lãnh đạo các bộ ngành liên quan thiết thân đến đời sống người dân như tài chính, y tế, giáo dục...?

Ông PHẠM THẾ DUYỆT:  Lãnh đạo các bộ ngành quan trọng trên đây là ĐBQH thì rất nên, vì các ngành đó lo những việc chung. Nhưng theo tôi, không nhất thiết phải vậy. Vì điều quan trọng là ĐBQH phải là người đủ tiêu chuẩn, được dân tin, dân bầu, chứ không đơn thuần rằng những ngành quan trọng là phải đưa bằng được vào QH theo kiểu cơ cấu.

- Phóng viên:  Ông có cho rằng cơ cấu số ĐBQH dành cho khối quân đội, công an là quá nhiều?

Ông PHẠM THẾ DUYỆT:  Tôi cũng tiếp nhận được ý kiến rằng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng là thành viên của Chính phủ, vậy tại sao lại tách ra thành một lực lượng riêng và dành quá nhiều cơ cấu cho 2 bộ này? Nhưng tôi lại nghĩ khác: Cơ cấu như thế là có lý do. Vì chỉ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên Chính phủ, nhưng với nhiệm vụ bảo vệ an ninh đất nước, thì khối quân đội, công an rất cần có nhiều người là ĐBQH mà họ không phải là thành viên Chính phủ.

- Phóng viên:  Quan điểm của ông về việc Việt kiều có thể tham gia QH?

Ông PHẠM THẾ DUYỆT:  Điều này thì phải theo luật. Hiện luật chưa quy định Việt kiều tham gia ĐBQH. Còn trong UBMTTQ Việt Nam hiện đã có tới 14 ủy viên là Việt kiều có quốc tịch nước ngoài. Về việc Việt kiều tham gia ĐBQH thì phải từng bước, phải tuân theo luật. Những kêu gọi anh em về làm kinh tế thì được, còn kêu gọi về tham gia chấp chính thì không phải là chuyện đơn giản, cần phải có bước đi, có thời gian, có cân nhắc kỹ tình hình. Vì hiện tại, thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá Việt Nam, nên chúng ta không thể mất cảnh giác về việc đó được.

- Phóng viên:  Xin cảm ơn ông!

 

Báo SGGP Online

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam: Những nét mới của cuộc bầu cử ĐBQH năm nay

Năm nay, Luật bầu cử không thay đổi, nhưng có 2 điểm mới trong quy trình hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử (cụ thể hóa luật cũ). Thứ nhất, luật cũ nói rằng số người ra ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số người được bầu cử ở đơn vị đó. Thế nhưng tại cuộc bầu cử năm nay, đã chỉ rõ là ít nhất phải có dư 2 người.

Thứ hai, người tự ứng cử được ủy quyền cho người đại diện của mình dự hội nghị cử tri ở nơi cư trú trong trường hợp người tự ứng cử vắng mặt do ốm đau, đi công tác hoặc lý do khác không thể dự hội nghị cử tri nơi cư trú. Trong văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đại diện đó. Cụ thể, phải là người có đầy đủ hành vi dân sự; chỉ được đến hội nghị cử tri để trả lời những câu hỏi mà hội nghị hỏi về người tự ứng cử, không được tuyên truyền về các chủ trương, chính sách trái với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Theo QUANG PHƯƠNG

(http://www.mattran.org.vn/)