Chưa thể rút ngắn thời hạn đăng ký thường trú xuống 12 tháng

24/05/2013

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đăng ký thường trú là 24 tháng.

Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. So với Luật Cư trú hiện hành, dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng. Đây là một trong những nội dung mới mà Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày sáng 23/5 tại Quốc hội về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.

Theo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày cho thấy, qua thảo luận, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn chưa rõ căn cứ nào để xác định thời hạn nêu trên. Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật trong trường hợp công dân chuyển chỗ ở từ nơi khác vào chỗ ở hợp pháp tại nội thành thuộc các thành phố trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú ít nhất là 2 năm thì mới làm thủ tục đăng ký thường trú. Mặt khác, đề nghị cần đánh giá một cách toàn diện việc rút ngắn thời hạn như vậy đã thực sự giải quyết được vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành hay chưa. Do đó, ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành đăng ký thường trú là 24 tháng.

Về thời hạn của Sổ tạm trú: Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật thì Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú hiện hành quy định rõ sổ tạm trú không xác định thời hạn) và trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày thì công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp. Bởi vì, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp, thời hạn tạm trú của công dân là dài hơn 24 tháng, trong khi đó, vì Sổ tạm trú chỉ có thời hạn 24 tháng cho nên khi gần đến thời hạn này, công dân phải tiến hành thủ tục gia hạn. Như vậy, đối với công dân có thời hạn tạm trú trên 24 tháng thì việc bổ sung quy định về thời hạn của Sổ tạm trú đã phát sinh thêm thủ tục hành chính. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa quy định thủ tục gia hạn cụ thể.

Đối với trường hợp có nhu cầu tạm trú dưới 24 tháng, nhưng để giảm tránh việc phải đăng ký gia hạn nhiều lần, công dân sẽ đăng ký thời hạn tạm trú với thời hạn tối đa là 24 tháng. Như vậy, trong trường hợp này, yêu cầu quản lý nhân khẩu thông qua Sổ tạm trú là rất khó thực hiện. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị không sửa đổi nội dung này mà giữ như quy định hiện hành để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú./.

 

Bích Lan/VOVonline

(http://vov.vn/)