DÂN CHỦ LỰA CHỌN NGƯỜI ĐẠI BIỂU XỨNG ĐÁNG

17/05/2021

Ngày 23/5 tới đây, người dân cả nước sẽ bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia cho hay: “Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải tuân thủ các quy định của pháp luật trên tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch”.

 

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực QH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử quốc gia 

Chọn những người tiêu biểu, xứng đáng

Phóng viên: Thưa ông, để bảo đảm được các yêu cầu tổng quát ông vừa nêu thì quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử rất quan trọng này đã được tiến hành ra sao?

Ông Trần Thanh Mẫn: Chúng ta biết rằng: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những ĐB tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử này sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chính vì vậy mà ngay từ tháng 6/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 45 về công tác lãnh đạo cuộc bầu cử này với những chỉ đạo rõ ràng, mạch lạc và đúng pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch. Hội đồng bầu cử quốc gia và MTTQ các cấp cũng đã triển khai khẩn trương công tác bầu cử.

Có thể khẳng định rằng cho đến nay, các công tác liên quan đến cuộc bầu cử đều đúng luật, dân chủ và công khai, minh bạch. Chúng ta đã lựa chọn được các ứng cử viên thực sự xứng đáng để cử tri bầu vào cơ quan ĐB cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

Phóng viên: Tinh thần xuyên suốt của cuộc bầu cử này được xác định như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Thanh Mẫn: Ngay từ tháng 1/2021, Bộ Chính trị đã tổ chức một hội nghị quán triệt, triển khai công tác bầu cử. Tinh thần của hội nghị quan trọng này đã được lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua các định hướng quan trọng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập rõ ràng.

Đó là: Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia QH; không giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và ĐB HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách.

Đây là cơ hội để chúng ta thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc lựa chọn bầu ra những ĐB tiêu biểu, thực sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại QH và HĐND các cấp.

Vận động bầu cử đúng luật, dân chủ, thẳng thắn

Phóng viên: Để cử tri bầu được những người xứng đáng thì việc để cử tri biết về các ứng cử viên là điều quan trọng. Theo ông, việc tiếp xúc và vận động bầu cử đã được tiến hành thế nào?

Ông Trần Thanh Mẫn: Trước hết là phải đúng pháp luật. Luật quy định người ứng cử vận động bầu cử bằng cách: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH - Chính phủ - MTTQ cũng quy định rõ những vấn đề này. Tinh thần là tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình. Theo đó, nếu được bầu làm ĐBQH, ĐB HĐND thì mình sẽ làm gì cho dân, cho địa phương, cho đất nước. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Ở các hình thức khác như trả lời phỏng vấn chẳng hạn thì người ứng cử cũng trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình.

Phóng viên: Còn những điều “cấm” đối với những người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, thưa ông?

Ông Trần Thanh Mẫn: Hiến pháp và pháp luật về bầu cử đã quy định cụ thể. Có thể khái quát các điều cấm đó là:Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

Ứng cử viên cũng không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Bầu cử đảm bảo an toàn trong mùa dịch

Phóng viên: Vừa rồi, ông đã đi kiểm tra công tác bầu cử ở nhiều địa phương. Ông nhận xét gì về công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường?

Ông Trần Thanh Mẫn: Các cơ quan bầu cử từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Hay như việc lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử.

Các cấp đã ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Phóng viên: Còn những khó khăn, nhất là do dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường là gì, thưa ông?

Ông Trần Thanh Mẫn: Một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh COVID-19...

Phóng viên: Ông có lưu ý gì cho công tác bầu cử trong giai đoạn tới đây?

Ông Trần Thanh Mẫn: Tôi cho rằng: Đây là thời điểm cần đẩy mạnh thành cao điểm công tác tuyên truyền, vận động để mọi người, mọi nhà đều biết thông tin về cuộc bầu cử, thông tin về ĐB mình lựa chọn; tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri đối với các ứng cử viên để bầu được người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại QH và HĐND các cấp.

Nếu có những phát sinh trong công tác bầu cử thì cần giải quyết kịp thời. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các cơ quan y tế phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện theo phương án đã đề ra, kịp thời ứng phó và tham mưu cho chính quyền trước các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)