TIẾP TỤC HOÀN THIỆN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

27/11/2020

Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020, với chủ đề “Tự chủ đại học - từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra ngày 27/11/2020 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành cần sớm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Toàn cảnh Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho biết, ở Việt Nam nội dung tự chủ đại học đã được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ khá sớm. Nội dung tự chủ ngày càng được mở rộng, từ tự chủ một phần về chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục năm 1998 đến tự chủ thực hiện nhiệm vụ ở các mặt học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018; cơ chế thực hiện tự chủ ngày càng được cụ thể hóa trong các đạo luật.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật Giáo dục đại học, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách… với nhiều quy định mang tính ràng buộc, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học . Bên cạnh đó, một số quy định của Luật vẫn còn mang tính khái quát và phải chờ có văn bản hướng dẫn thi hành để có thể đưa quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng phát biểu tham luận tại hội thảo với chủ đề "Tự chủ đại học - từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam được đề cập từ rất sớm song trên thực tế vẫn luôn tồn tại một khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với thực tiễn thi hành, do vẫn tồn tại những bất cập cả trong nhận thức, thể chế và năng lực thực hiện. Từ những hạn chế này, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ tại cơ sở giáo dục đại học, bao gồm tổ chức, quan hệ và trách nhiệm của Hội đồng trường và các chủ thể liên quan  trong và ngoài cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng mô hình tài chính đại học, trong bối cảnh cơ sở đào tạo được tự chủ, bao gồm trách nhiệm của nhà nước, xã hội, hệ thống pháp luật, cơ chế, quyền hạn và trách nhiệm giải trình.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.

Về phía cơ quan thực thi pháp luật, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học tiến hành thí điểm tự chủ, đến nay các trường tham gia thí điểm đều có sự bứt phá trong nghiên cứu và đào tạo, tạo diện mạo mới cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Tự chủ đại học được triển khai rộng rãi từ khi có Nghị quyết 77 của Chính phủ, đặc biệt là sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghi định 99 hướng dẫn thi hành luật có hiệu lực. Mặc dù quy định về tự chủ đại học đã dược luật hóa, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc. Bởi tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ,mà còn chịu sự chi phối của các luật khác nhau như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Công chức, viên chức.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, hiện nay tự chủ đại học đã trở thành chủ trương lớn, nhưng vẫn không dễ thực hiện trong thực tiễn do vướng tư duy và nhiều ràng buộc về pháp lý do chưa đồng bộ giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các luật liên quan.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, các quy định về tự chủ đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai Luật cho thấy tự chủ đại học còn đòi hỏi các điều kiện đảm bảo vận hành thì mới phát huy hiệu quả trong thực tế.

Bà Vũ Thị Lan Anh cho rằng, những quy định về tự chủ đại học trong Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99/2019 của Chính phủ đã rõ ràng nhưng cần được triển khai ngay. Bởi thực tế vẫn còn tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học và các quyền năng mà Luật đã trao để thực hiện tự chủ; vẫn còn sự dè dặt và chờ đợi sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế. Đó là sự chưa đồng bộ giữa Luật với các Luật khác có liên quan, nhất là các quy định về quyền tự chủ trong tổ chức nhân sự (quy định trong Luật Viên chức), quyền tự chủ trong tài chính và tài sản (quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…).

Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Bà Vũ Thị Lan Anh nêu dẫn chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trao thẩm quyền khá rộng cho cơ sở giáo dục đại họctrong việc quyết định cơ cấu lao động tổng thể cũng như về từng vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự trong trường; quyết định nhân sự quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức, phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020). Vì thế, thủ tục tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức trong trường đại học công lập không thể vượt ra ngoài quy định của Luật Viên chức. Với tư cách là viên chức, lương và phụ cấp của giảng viên hiện nay được thực hiện theo chức danh nghề nghiệp và thang, bậc lương tương ứng (như các chức danh nghề nghiệp viên chức khác). Vì thế, liệu cơ sở giáo dục đại học với quyền tự chủ về nhân sự có thể "vượt rào" để thu hút người tài cho công tác đào tạo và nghiên cứu, như ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến?

Bà Vũ Thị Lan Anh đề nghị sửa đổi đồng bộ Luật Viên chức, pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để cởi trói tối đa, trao quyền tự chủ tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học công lập; nghiên cứu cách tiếp cận như giao quyền đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc tuyển dụng giảng viên (số lượng cơ cấu, cách thức tuyển dụng), các cơ sở giáo dục cần được tự chủ hoàn toàn về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đảm bảo các chế độ tài chính đối với giảng viên và nhân viên; thực hiện chế độ tiền lương theo vị trí việc làm và theo năng lực cá biệt của từng cá nhân để dần thay thế cho lương theo thang, bảng lương chức danh nghề nghiệp, đảm bảo thu hút tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước và nước ngoài cho giáo dục đại học.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng khẳng định, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn chưa điều chỉnh đầy đủ các quy định liên quan đến tự chủ đại học mà đang có sự chồng chéo với các luật liên quan cần sớm được rà soát, bổ sung đồng bộ. Tuy nhiên, về cơ bản Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thực hiện tự chủ đại học, những vướng mắc hiện nay có thể được điều chỉnh bởi các thông tư, quy định dưới luật để tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở giáo dục đại học./.

Lan Hương - Minh Thành