HƯỚNG ĐẾN QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP, HIỆU QUẢ (BÀI 3)

26/11/2020

Qua 75 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được trên các chức năng trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động của Quốc hội vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Hướng đến Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và các chính sách phù hợp với đời sống thực tiễn hơn thì cần thêm những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Trải qua chặng đường dài hình thành và phát triển, Quốc hội đã và đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm qua, Quốc hội luôn không ngừng thực hiện tốt việc phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới cũng như thực hiện các chức năng cơ bản về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, hoạt động của Quốc hội vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập nên cần có thêm những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới để cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.


Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng.

PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, Giảng viên Cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của quốc hội vẫn còn một số hạn chế. Đó là trong xây dựng pháp luật, việc thể chế hóa quan điểm đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật chưa kịp thời. Một số văn bản luật chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nhất là tính phù hợp, tính khả thi, tính khoa học và dự báo dẫn đến tuổi thọ của văn bản không cao; thậm chí vừa ban hành đã “chết yểu”. Ví dụ như Bộ Luật Hình sự năm 2015 ban hành xong phải dừng để sửa do giới luật sư, nhà khoa học và nhân dân phát hiện sai sót nhiều lỗi kỹ thuật.

Đối với Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2014, quy định người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Quy định này sau đó đã gây bức xúc trong đông đảo người lao động vì quyền lợi của họ bị hạn chế, do đó bị phản ứng ngay khi chưa có hiệu lực. Chính những bất cập của Điều 60 không cho người lao động có quyền lựa chọn, đã khiến công nhân nhiều nơi phản đối và ngừng việc.

Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, người lao động, xem xét báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, hơn 81% đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã nhấn nút thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cho phép người lao động nghỉ việc trong điều kiện chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Điều này có nghĩa quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về việc thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời chưa có hiệu lực, dù luật này đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIII bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.


Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc với 81,78% đại biểu tán thành.

Bài học rút ra sau Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua là khả năng lắng nghe tiếng nói của cử tri, sự phản hồi của đối tượng bị tác động của cơ quan lập pháp. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho cơ quan quyền lực tối cao của đất nước là phải  nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm luật, làm sao để họ có đủ khả năng thiết kế hệ thống luật pháp đầy đủ, đi vào cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra rằng, chính sách dù có tiến bộ, nhân văn đến mấy, nhưng quan trọng là phải phù hợp với thực tế cuộc sống. Pháp luật đảm bảo sự phát triển bền vững của đại bộ phận người lao động, song cũng phải chú ý bảo vệ quyền lợi chính đáng của những nhóm người khác khi họ buộc phải lựa chọn giải pháp ít bền vững hơn, không mâu thuẫn hay xung đột với lợi ích chung của xã hội.

Đề cập về Hiến pháp năm 2013, PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo cho rằng, đến nay, Hiến pháp năm 2013 ra đời đã 07 năm nhưng còn thiếu nhiều văn bản cụ thể hóa để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân. Nguyên nhân dẫn đế hạn chế này có nhiều nhưng trong đó có nguyên nhân từ chất lượng đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chuyên trách, thực sự tâm huyết với đất nước còn thiếu, còn một số đại biểu thiếu rèn luyện, vi phạm pháp luật, không đủ tư cách đại diện cho nhân dân. Quốc hội khóa XIV ghi nhận số đại biểu phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ, có lẽ ở mức độ kỷ lục như không được công nhận đủ tư cách: Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Một số người bị mất quyền đại biểu Quốc hội do vi phạm pháp luật như Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh, Châu Thị Thu Nga. Một số trường hợp vì vi phạm kỷ luật Đảng đã bị miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội như Lê Đình Nhường, Võ Kim Cự, Hồ Văn Năm.

Về công tác giám sát, đối tượng giám sát chưa thực sự phù hợp, quá rộng, nội dung giám sát không rõ nên chưa xác định đối tượng nào, việc nào là trọng tâm, cần tập trung trong hoạt động giám sát nên hoạt động giám sát thiếu khả thi. Hình thức giám sát còn chưa đa dạng nên thiếu hiệu quả. Nguyên nhân hạn chế của việc thực hiện pháp luật về giám sát của Quốc hội phải kể đến là sự yếu kém về năng lực thực hiện chức năng giám sát. Sự phối hợp thiếu nhịp nhàng của các cơ quan của Quốc hội được thể hiện trong việc chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với các Ủy ban của Quốc hội còn chưa thật sự sâu sát, có Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, song các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu các quy định về trình tự, thủ tục giám sát một cách hữu hiệu. Việc xây dựng chương trình giám sát còn có chỗ chưa bám sát vào yêu cầu thực tế của cuộc sống và các nghị quyết của Quốc hội, nhất là nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hằng năm. Chất lượng của hoạt động giám sát còn nhiều hạn chế, chưa đi sâu, chưa phát hiện và đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, chủ yếu là do phương thức, do năng lực, trình độ, do nể nang, né tránh; bộ máy giúp việc yếu, thiêu sơ sở vật chất…     


PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, Giảng viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Đề cập về hạn chế trong quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo đồng thuận với các ý kiến cho rằng: Nhược điểm của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua là thường nặng về sự áp đặt các mục tiêu mang ý muốn chủ quan hơn là một bản kế hoạch để qua đó dẫn dắt các chủ thể của một nền kinh tế hoạt động theo định hướng của nhà nước. Vì vậy, trên thực tế dường như các mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ trình ra Quốc hội mới phản ảnh được ở khía cạnh “phải làm gì?” mà chưa phản ảnh được các nội dung quan trọng hơn là  “làm cách nào?” và “ai làm?" mà chưa phản ảnh được các nội dung quan trọng hơn là  “làm cách nào?".

Với tư cách là đại biểu Quốc hội của 4 khóa IX, X, XI, XII, trong đó có 2 khóa là đại biểu chuyên trách và 2 khóa là đại biểu kiêm nhiệm, phụ trách mảng kinh tế, khoa học kỹ thuật, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định: Do thời gian họp Quốc hội chỉ có 2 kỳ/năm. Mỗi kỳ chỉ hơn 1 tháng mà phải thực hiện góp ý, thảo luận nhiều luật nên nhiều nội dung của luật chưa đi được đến cùng vấn đề nên chưa kịp thời đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Chiều sâu về những hoạt động giám sát của Quốc hội so với các cơ quan điều tra, kiểm sát của hệ thống bộ máy Nhà nước còn thấp hơn. Nếu các cơ quan giám sát của Quốc hội tập trung chỉ rõ hơn nữa các vấn đề trong các phiên giải trình, giám sát chuyên đề, giám sát tối cao thì sẽ nâng tầm uy tín của Quốc hội lên nhiều hơn.

Hiện nay, Quốc hội có 481 đại biểu nhưng có những đại biểu có nhận thức về chiều sâu các vấn đề còn hạn chế nên tham gia góp ý vào các hoạt động của Quốc hội chưa sát thực. Ở nước ta, 3 quyền gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp là độc lập nhưng trong sự phân công, phân quyền lại là một thể thống nhất. Trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như hoạt động thực tiễn trên nghị trường và ngoài nghị trường thể hiện rõ hơn tính chất, khả năng kiểm soát quyền lực trong hệ thống bộ máy nhà nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập là chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng vấn đề kiểm soát quyền lực vẫn là khâu yếu nhất. Trong đó có trách nhiệm của Quốc hội và muốn kiểm soát tốt quyền lực thì Quốc hội phải thể thế bằng các luật lệ và bằng hành động. Đây là một số mặt hạn chế và là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của Quốc hội còn chưa đạt được yêu cầu so với thực tiễn.


Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho biết: Trong quá trình 75 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của Quốc hội còn một số hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Mặc dù hệ thống luật pháp đã toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội nhưng chất lượng dự án luật còn chưa cao. Một số dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong xã hội, thiếu tính dự báo nên có luật được ban hành trong một thời gian ngắn đã có yêu cầu phải xem xét điều chỉnh. Điều này cho thấy, chất lượng của công tác xây dựng luật còn hạn chế từ khâu tham mưu, đánh giá, thảo luận, biểu quyết, thông qua.

Đối với công tác giám sát, mặc dù Quốc hội đã được tăng cường và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ này nhưng vẫn chưa bao trùm tất cả các yêu cầu thực tiễn. Thời gian để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, giám sát các nội dung trên nghị trường chưa đủ. Số liệu, thông tin ở trong các báo cáo cung cấp cho đại biểu có thể nhiều nhưng thiếu tính khái quát, tổng kết, đánh giá một cách khoa học nên đại biểu phải mất nhiều thời gian nghiên cứu mới đi đến tổng quát các vấn đề.

Đối với giám sát chuyên đề, vừa qua Quốc hội có tổ chức các đoàn đi giám sát chuyên đề tối cao nhưng số chuyến đi giám sát thực tế, thời gian và lượng lượng thực hiện công việc này không nhiều. Mỗi địa phương chỉ có 8 đến 10 đại biểu tham gia công tác giám sát chuyên đề. Ngoài đại biểu chuyên trách thì đại biểu kiêm nhiệm chỉ có 1/3 thời gian công việc này. Với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hiện nay, không phải đại biểu Quốc hội nào cũng am hiểu sâu sắc tất cả các lĩnh vực, chuyên đề mà lại quyết định những vấn đề quan trọng, vĩ mô nên chất lượng quyết định chưa thể cao.

Không ngừng nghiên cứu: Đổi mới, cải tiến từ tổ chức bộ máy đến phương thức hoạt động của Quốc hội

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, tình hình chính trị ở khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa bảo hộ của nhiều nước được đặt lên khá cao nên nhiều thể chế quốc tế đang bị tấn công. Trong tình hình đó, hoạt động của Quốc hội phải được tiếp tục không ngừng nghiên cứu đổi mới, cải tiến từ tổ chức bộ máy, con người đến phương thức hoạt động.

Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, tổ chức bộ máy tổng thể của Quốc hội về cơ bản vẫn giữ như hiện nay. Cần thiết điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nâng địa vị pháp lý thành cơ quan của Quốc hội thì hoạt động mới hiệu quả, ngang tầm với yêu cầu mới cũng như hạn chế tối đa cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chất lượng đại biểu Quốc hội cùng với nâng thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đòi hỏi cao hơn về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy của Quốc hội ngày càng hoạt động có hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Đối với các cơ quan phục vụ, tham mưu nằm trong hệ thống Văn phòng từ Trung ương đến địa phương phải được nghiên cứu thấu đáo cơ sở pháp lý, khoa học cũng như thực tiễn trong điều kiện cụ thể để hình thành bộ máy tương đối ổn định, để đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống Văn phòng an tâm và tận tâm học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng chất lượng phục vụ Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội.

Những năm tới, dân số tăng lên nhưng số lượng đại biểu Quốc hội cũng nên dừng ở không quá 500 đại biểu là hợp lý. Vấn đề quan tâm là chất lượng đại biểu Quốc hội cùng với nâng thêm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đòi hỏi cao hơn về trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh. Ngoài những cán bộ, công chức đang làm việc chính thống, hưởng biên chế thì các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương nên áp dụng cơ chế thu hút rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học không phải là đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của mình từ tham gia khảo sát thực tiễn, giám sát, thẩm tra các luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Có như vậy, bộ máy Quốc hội tinh gọn nhưng vẫn khai thác được trí tuệ, nguồn lực chất lượng cao trong xã hội.

Về kỳ họp của Quốc hội, nên nghiên cứu họp 4 kỳ/năm, mỗi kỳ không quá 15 ngày sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là trong nhiệm vụ lập pháp và giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội cần phát huy dân chủ tốt hơn nữa. Chỉ phát huy tốt dân chủ thì mỗi thành viên tham gia mới cởi mở lòng mình, bày tỏ tâm tư, suy nghĩ một cách thực lòng, không né tránh các vấn đề, nhất là những vấn đề gai góc trong cuộc sống. Dân chủ phải không ngừng được phát huy trong quá trình hoàn thiện, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta nói chung và trong xây dựng Quốc hội nói riêng trong thời gian tới.

Mặt khác, Quốc hội cần thể hiện rõ hơn vai trò kiểm soát quyền lực trong hệ thống bộ máy Nhà nước thông qua việc xác lập hệ thống các văn bản pháp luật và hoạt động thực tiễn của mình. Đây là chủ trương lớn đặt ra trong Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng tầm quan trọng của vấn đề kiểm soát quyền lực ở nước ta.

Ngoài ra, Quốc hội cùng với Chính phủ và các ngành cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn, hiện đại hóa hoạt động của mình, xây dựng Quốc hội số có mặt cần trước, đi sớm.


Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Đại biểu Trần Văn Lâm – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nêu quan điểm: Quốc hội cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao các chức năng: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Trên chức năng lập pháp, Quốc hội cần tham mưu, lấy ý kiến, tổng kết, đánh giá thực tiễn các dự án luật một cách bài bản và toàn diện. Điều này tránh hiện tượng có dự án luật trình lên Quốc hội xem xét, thảo luận nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu luận cứ khoa học.

Về chức năng giám sát, Quốc hội cần tạo điều kiện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban tổ chức kịp thời các đoàn giám sát những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Còn giám sát trên nghị trường, Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, nổi bật của đất nước để các đại biểu đóng góp ý kiến, giám sát hoạt động của các Bộ ngành.

Để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước một cách khách quan, sát thực, vấn đề quan trọng là phải nâng cao trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội. Cùng với cơ cấu hợp lý theo tiêu chí về dân tộc, tôn giáo, tuổi tác thì Quốc hội cần có cơ cấu phù hợp hơn đối với đại biểu chuyên trách và không chuyên trách. Song song với đó, Quốc hội cần giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu để tham gia đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ để thu hút người có đủ phẩm chất, năng lực làm đại biểu chuyên trách, hay thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực đóng góp vào các hoạt động của Quốc hội.


Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và cũng là đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, trong suốt gần 20 năm liên tục, từ khóa XI, XII, XIII, XIV bày tỏ ý kiến: Trong thời gian qua, Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc, soạn thảo được nhiều luật nhưng hoạt động còn chưa chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân là do số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách còn ít.

Hiện nay, đại biểu Quốc hội phần đông là không chuyên trách, thậm chí nhiều người còn đang giữ chức vụ. Thực sự, đại biểu Quốc hội đang đương chức có thế mạnh là họ có thực tiễn trong quá trình quản lý nhưng có thể có những hạn chế khi họ còn phân tâm vào nhiều việc khác nên chưa chú trọng đến các hoạt động của Quốc hội. Để hoạt động của Quốc hội phát huy hiệu quả hơn, chúng ta cần nâng cao trình độ, kỹ năng và thay đổi cơ cấu của đại biểu Quốc hội. Theo đó, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chúng ta cần có số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn.

Còn đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, nêu quan điểm: Trên thực tế, hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện thường xuyên và bài bản hơn từ khi có Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, có thể nói, lực lượng giám sát thực hiện chính sách pháp luật của các cơ quan của Quốc hội còn thiếu. Việc giám sát để giải quyết những vấn đề bất cập hay đề xuất các phương hướng điều chỉnh luật, chính sách để xây dựng nâng lực quản lý chưa kịp thời. Một số lĩnh vực mà nhiều người cho là tế nhị chưa được giám sát kỹ lưỡng nên khi Quốc hội thảo luận, tranh luận chưa đi đến cùng được vấn đề cần giải quyết.

Trong công tác xây dựng hệ thống pháp luật, nếu trước kia, thời gian tồn tại của một luật khi được áp dụng trong đời sống thường là 10 năm thì nay một số luật thay đổi rất nhanh. Có luật chỉ ban hành áp dụng trong thực tế với thời gian từ 3 đến 5 năm đã phải thay đổi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nguồn nhân lực tập trung vào nghiên cứu luật còn chưa bài bản, chưa chuyên sâu và chưa phù hợp so với thực tiễn. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến: Quốc hội nên mở rộng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải là đại biểu Quốc hội như các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực đóng góp ý kiến, nghiên cứu thảo luận vào việc xây dựng hệ thống pháp luật.


Đại biểu Nghiêm Vũ Khải- Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng.

Đối với những kế hoạch kinh tế -xã hội 5 năm, PGS.TS Nguyễn Thị Báo đồng ý với các quan điểm cho rằng: Quốc hội cần quyết định các chỉ tiêu liên quan đến các chỉ số phát triển con người (HDI), vì đó là mục tiêu cuối cùng đánh giá trình độ phát triển và rất gần gũi với đặc điểm của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa. Bên cạnh đó, có thể tham khảo để lựa chọn một số chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu thiên niên kỷ mà nước ta đang xây dựng và phấn đấu thực hiện bao gồm các chỉ tiêu phản ảnh tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc quyết định các mục tiêu định lượng cần quyết định thêm những chỉ tiêu phản ảnh sự chuyển biến về chất của sự phát triển. Ví dụ, chỉ tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sau 5 năm của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hay chỉ tiêu nâng ngưỡng nghèo nhằm phản ảnh mục tiêu công bằng xã hội.

Ngoài việc quyết định những chỉ tiêu mang tính cưỡng chế theo hiệu lực pháp luật, Quốc hội cũng cần đề ra những chỉ tiêu mang tính chất khuyến nghị đối với Chính phủ trong công tác điều hành, bao gồm: Tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Theo PGS.TS Luật học Nguyễn Thị Báo, Quốc hội nên quyết định mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế xã hội trước khi quyết định việc phân bổ ngân sách đầu tư và có sự liên kết giữa đầu tư với các mục tiêu kinh tế-xã hội.

Có thể nói, những hoạt động của Quốc hội đã và đang không ngừng hoàn thiện để bám sát, gắn với thực tiễn và sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của Quốc hội vẫn còn một số bất cập, hạn chế như trên và với những kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục của những người đã từng là lãnh đạo, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ và các chuyên gia, hy vọng trong thời gian tới Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các hoạt động của Quốc hội không ngừng được cải tiến và nâng cao để góp phần đưa vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, ngày càng được bạn bè khắp thế giới ghi nhận, đánh giá cao./.

Bích Lan