CHẤT VẤN CỦA QUỐC HỘI: CẢI TIẾN MỚI, THÀNH QUẢ MỚI (BÀI 1)

26/11/2020

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được Hiến pháp quy định. Trong những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, hoạt động chất vấn đã có nhiều đổi mới, cải tiến. Từ đó, đưa lại những thành quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc thay đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách.

Chuyển biến về thể chế, chính sách sau chất vấn

Việc hoàn thiện chính sách được thực hiện chủ yếu trong nhiều công đoạn của hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động chất vấn đã và đang có những tác động nhất định đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách.

Ngày 03/12/2004, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 37/2004/NQ- QH11 về Giáo dục. Nghị quyết này được bắt nguồn từ một phiên chất vấn của Quốc hội. Thời điểm đó là Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, sau khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chất lượng giáo dục ở một phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đức Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, đã thực hiện quyền kiến nghị như một công cụ để tiếp tục giám sát. Đại biểu đã kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định chưa thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về chất lượng giáo dục mà đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình giáo dục. Sau khi tiến hành xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Đây là một trong nhiều minh chứng từ thực tiễn về vai trò, giá trị của chất vấn trong hoạt động nghị trường.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chất vấn tại Hội trường 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã chất vấn về vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phân bón, đồng thời đề xuất cần giao việc quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau chất vấn của đại biểu, tháng 09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ chỉ giao một đầu mối quản lý chính về sản xuất phân bón là Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Như vậy, từ ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã có những nỗ lực nhằm kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý phân bón, giúp cho công tác quản lý phân bón bước đầu có những chuyển biến tích cực trên thực tế. Từ kết quả này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì sau chất vấn, vấn đề đại biểu nêu đã được Chính phủ quan tâm và kịp thời có những điều chỉnh hợp lý. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 108 đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong công tác quản lý phân bón hiện nay....”.

Xuất phát từ mong muốn giúp người nông dân nghèo ở những vùng đất đầm lầy nước đọng có sinh kế ổn định, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển cây sen. Sau chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Hình thành vùng chuyên trồng sen, kết hợp với du lịch, các ngành nghề dịch vụ tại một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây sen.

Phát triển trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân

Mới đây, từ kiến nghị của cử tri và từ thực tiễn giám sát, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp xử lý triệt để tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Sau chất vấn của đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều động thái tích cực trong việc ngăn chặn vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trong đó, phải kể đến quyết tâm của Bộ trong việc xây dựng và trình Chính phủ Nghị định chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP. Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/NĐ-CP là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đẩy lùi vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mặc dù mới được ban hành nhưng Nghị định đã bước đầu phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống; tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác cũng đã có những bước thuyên giảm đáng kể.

“Nghị định lần này đã quy định tương đối đầy đủ với nhiều điểm mới tiến bộ cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong ngăn chặn, đẩy lùi tin nhắn rác, cuộc gọi rác,…. Quy định về mức xử phạt cũng được nâng cao rõ rệt, đảm bảo tính răn đe nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Nghị định ra đời được sự đón nhận và đồng tình của người dân đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng siết chặt quản lý trong lĩnh vực này.. ..” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều ví dụ của việc chuyển biến trong hoàn thiện chính sách, thể chế từ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn. Có thể nói, khởi nguồn từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội đã được giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh trong xã hội.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong thực thi pháp luật và tìm kiếm các giải pháp khắc phục. Hay nói cách khác, chất vấn là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Đơn cử như, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm; gian lận thương mại hay việc tinh giản biên chế và gánh nặng đối với xã hội.... Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của người quản lý.

Chất vấn cũng là cơ hội để các Tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa chính sách. Chính từ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã gián tiếp tạo ra sự đồng thuận trong thực hiện chính sách không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Có thể khẳng định, hoạt động chất vấn thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng; thể hiện được vai trò của thiết chế đại diện trong hệ thống chính trị. Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình, liêm chính, sáng tạo của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; năng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.

Lê Anh