LẬP KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN PHẢI SÁT TÌNH HÌNH THỰC TẾ

23/11/2020

Thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH ghi nhận những những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm giải quyết việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cùng đề nghị nhiều giải pháp đối với từng ngành, từng địa phương, vùng, miền...

Lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương phải sát với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương

Cho ý kiến về kết quả đầu tư công trung hạn, thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, đánh giá cao những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết sự việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Với sự chỉ đạo đó, đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm.

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ghi nhận Chính phủ đã đánh giá toàn diện xây dựng hệ thống số liệu đo lường mức độ đạt và thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu chưa đạt và cả các chỉ tiêu chưa được đánh giá, bám sát yêu cầu của Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội có liên quan.

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Đại biểu cho rằng điểm đổi mới nổi bật của đầu tư công giai đoạn vừa qua là từ hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội quyết định rút gọn và tích hợp thành 2 chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Một số chương trình mục tiêu quốc gia trước đây được chuyển thành chương trình mục tiêu do các bộ, ngành làm chủ chương trình. Có bộ, ngành chỉ có một chương trình nhưng cũng có một số bộ, ngành chủ trì cùng một lúc 2, 3 chương trình với mục tiêu rất đa dạng. Từ phát triển thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, dân số phát triển, trợ giúp xã hội, lao động, việc làm.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Hiền, điều đáng quan tâm là không ít chương trình, mục tiêu được phê duyệt chưa kịp thời như Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh được phê duyệt vào tháng 10/2017; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch được phê duyệt vào tháng 11/2017; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo đến tháng 12/2018 mới phê duyệt. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương chỉ cân đối được khoảng 53% nhu cầu vốn.

Từ thực tế nêu trên, để nâng cao hiệu quả của các nguồn vốn trong đầu tư, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, Chính phủ cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương phải sát với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương, vùng, miền. Dự án được giao kế hoạch vốn không được vượt so với nguồn vốn đủ điều kiện giải ngân. Cần quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng như đơn giá, phương án đền bù, di dời các công trình có liên quan trong vùng dự án đầu tư để người dân nhận tiền đền bù, yên tâm đến chỗ ở mới, ổn định cuộc sống; chú trọng chất lượng của các loại quy hoạch phải có tính liên kết đồng bộ, tránh gây lãng phí trong đầu tư công.

Chú trọng cho các chương trình, dự án bảo đảm bền vững cho việc duy trì, phát triển

Về chủ trương đầu tư công giai đoạn tới, đại biểu Trần Thị Hiền tán thành nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết hợp hài hòa giữa ngành, lĩnh vực, đáp ứng định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, có nhiều giá trị để đảm bảo mục tiêu bền vững. Đồng thời, đề nghị cần nhấn mạnh thêm thành tố bền vững như một yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả đầu tư công trên nền tảng phải duy trì được thành quả phát triển từ những giai đoạn trước, đủ để đầu tư đến đâu chắc chắn đến đó.

Đại biểu chỉ rõ chúng ta rất ấn tượng với thành tích giảm nghèo từ 9,88%, đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ còn 2,75%, nhưng không thể quên thực tế là tỷ lệ tái nghèo bình quân 4,09%. Hằng năm, tỷ lệ phát sinh hộ nghèo bằng 21,8%, số hộ thoát nghèo sắp tới khi thay đổi giá trị chuẩn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự báo có thể quay về mốc cũ là trên 9%. Chúng ta cũng rất mừng vì những kết quả vượt trội của chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng không thể thiếu giải pháp để bảo đảm duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả cần cụ thể hơn về nguồn lực, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, trong đó cần lưu ý về tiêu chí môi trường, cần chú trọng việc đưa ra những giải pháp để bảo đảm được tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bền vững.

Đại biểu nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, trong chủ trương đầu tư công phải rất chú trọng cho các chương trình, dự án bảo đảm bền vững cho việc duy trì, phát triển thành quả phát triển từ giai đoạn trước. Cần đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác di dời, tái định cư cho bà con sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Có cùng quan tâm về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Chính phủ dự kiến trong báo cáo. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy trong kế hoạch còn thiếu 2 nội dung rất quan trọng: Một là là tổng mức vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực dự kiến mức phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương. Hai là, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án và mức phân bổ vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong trung hạn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động của các nguồn khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc chưa có danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án sẽ rất khó để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn trong danh mục dự án, dự kiến kèm theo kế hoạch trình Quốc hội lần này, đa số các dự án đều là các dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2021 chuyển sang. Do đó, rất khó có thể xác định các dự án dự kiến cho giai đoạn 2021-2025 có đúng theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của Luật Đầu tư công mới được Quốc hội thông qua hay không? Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải bổ sung các nội dung trên để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 sắp tới trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét quyết định.

Đồng thời, để khắc phục những hạn chế như việc kết nối giao thông giữa các vùng vẫn còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị trong nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công của giai đoạn tới cần tập trung đầu tư những công trình giao thông có sức lan tỏa lớn phải đặt ra các mục tiêu cụ thể./.

Bảo Yến