KỊP THỜI GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

23/11/2020

Thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH cho rằng việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong quá trình sắp xếp cần kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, quan tâm đến đội ngũ cán bộ dôi dư...

Đồng hành, tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính mới sắp xếp, sáp nhập phát triển

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hồ Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, nêu rõ, sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đã có sự tác động sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương trên cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32 của Chính phủ, thời gian qua, các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch và thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay cả nước đã tiến hành sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, 1027 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, dự kiến giảm chi lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới là khoảng 1.431 tỷ đồng.

Đại biểu Hồ Thị Vân cho rằng đây là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và đầy trách nhiệm của những người chịu tác động trực tiếp của chủ trương này là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở các địa phương phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong các Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, bên cạnh việc đánh giá về số lượng đơn vị hành chính đã được sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách đã được tinh giản sau khi sắp xếp cũng cần kịp thời đề cập và đánh giá thêm những thuận lợi, khó khăn liên quan đến đời sống người dân ở các đơn vị hành chính mới được sắp xếp, sáp nhập để từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Hồ Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi

Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần quán triệt sâu sắc toàn diện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 37 về sắp xếp đơn vị hành chính, đó là bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân trong suốt quá trình tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cũng như cần quyết liệt chỉ đạo và đồng hành cùng các địa phương để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính là một nội dung chưa được đề cập một cách đầy đủ toàn diện trong các quy định hiện hành. Vì vậy, khi giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư theo tinh thần của Nghị định 108, Nghị định 113 của Chính phủ về tinh giản biên chế thì ít nhiều đều có phát sinh một số điểm vướng mắc chưa thực sự phù hợp như là về đối tượng, về thời gian thực hiện, điều đó gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Trên thực tế, việc sắp xếp giảm số lượng cấp phó, giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là vô cùng khó khăn cần có thời gian, lộ trình thực hiện một cách hợp tình, hợp lý. Do vậy, đại biểu Hồ Thị Vân đề nghị đối với các đơn vị hành chính mới sắp xếp, sáp nhập, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem xét cho giãn tiến độ, thời gian thực hiện việc bố trí giảm số lượng cấp phó, giảm cán bộ, công chức viên chức và giãn lộ trình thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ trong thời gian là 60 tháng theo đúng tinh thần Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không bắt buộc phải phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

Đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành cân nhắc, xem xét, cân đối tăng mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính mới sắp xếp, sáp nhập khoảng từ 1,5 đến 2 lần so với mức quy định chung tại Quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tối thiểu là 5 năm để đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các đơn vị hành chính mới sáp nhập là không thấp hơn trước đây. Đại biểu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương sẽ tiếp tục đồng hành, quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị hành chính mới sắp xếp, sáp nhập, tiếp tục phát triển đi lên.

Quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số đơn vị phải sắp xếp lớn nên đã triển khai quyết liệt, tập trung cao và ban hành đề án phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, tỉnh đã sắp xếp 80 xã, hình thành 34 xã mới, giảm 46 xã, bằng 17,5%. Sắp xếp, giảm 860 thôn trên 262 xã, phường, bằng 30,3%, giảm hơn 1.260 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 180 tỷ/1 năm. Tuy nhiên đây là chủ trương lớn triển khai trong thời gian ngắn, công việc khá phức tạp, tác động đến địa giới hành chính, tổ chức bộ máy cán bộ truyền thống và tập quán của địa phương, làng xã nên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được sự quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ, khi sáp nhập là quy mô đơn vị hành chính lớn hơn tạo ra dôi dư về cơ sở vật chất ở các đơn vị cũ, trong khi đơn vị mới lại chưa có đủ cơ sở vật chất cho bộ máy hoạt động. Mặt khác, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính sau khi các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới thực sự gây lãng phí, tốn kém về ngân sách và nguồn lực nhà nước và Nhân dân. Đại biểu cho rằng, giá như chủ trương sáp nhập sớm hơn như Quốc hội khóa XIII đã có nhiều ý kiến về sáp nhập đơn vị hành chính, trước khi các địa phương tiến hành xây dựng nông thôn mới thì tiết kiệm được rất nhiều tiền của và nguồn lực của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng cũng cần quan tâm đến số cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, đạt tiêu chuẩn nhưng dôi dư sau sáp nhập. Ngoài chính sách về tài chính, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để có việc làm, không lãng phí nguồn lực đã đào tạo, cống hiến của đội ngũ cán bộ ở các địa phương, cơ sở.

Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra, đại biểu đề nghị bổ sung các giải pháp để sớm thực hiện vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính có hiệu lực, hiệu quả ở cơ sở. Theo đó, Chính phủ cần có sự rà soát, đánh giá đầy đủ, kịp thời những địa phương đã sáp nhập và quyết liệt, tiếp tục thực hiện chủ trương này ở các địa phương chưa đảm bảo tiêu chí quy định. Đồng thời, bổ sung vào chương trình đầu tư công trung hạn để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất cho các đơn vị hành chính mới đảm bảo. Rà soát để bổ sung chế độ chính sách, sửa đổi khoản 1 Điều 14a của Nghị định số 34 để phù hợp với thực tiễn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Quang – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Đà Nẵng, đặc biệt chia sẻ với những áp lực về công việc, áp lực trước xã hội, áp lực về tâm lý theo Luật Cán bộ, công chức của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cùng với đó, theo Nghị định 34 của Chính phủ chức danh người hoạt động không chuyên trách, không kể người công tác trong khối Đảng, đoàn thể, thì ở khối chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đó là Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự phụ trách công tác xã hội, phụ trách công tác văn hóa, thể thao, phụ trách công tác văn thư, lưu trữ và thủ quỹ, phụ trách công tác Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và tiếp công dân.

Đại biểu nêu rõ, không chuyên trách nhưng lại làm việc quan trọng như quân sự, công tác xã hội, tiếp dân, v.v.. thời gian, công việc như những cán bộ, công chức khác nhưng không được gọi là cán bộ, công chức, không có lương, chỉ có phụ cấp dưới 2 triệu đồng/1 tháng.

Từ những tâm tư, trăn trở của cán bộ cơ sở, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét căn cứ nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức cấp xã để họ có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Thống nhất đội ngũ cán bộ, công chức trên cả nước theo đúng hệ thống 4 cấp hoàn thiện. Chính quyền 4 cấp thì công chức 4 cấp, từ trung ương đến xã, phường và liên thông, thống nhất không cắt khúc. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở có tiêu chuẩn, vị trí việc làm và chế độ, chính sách thống nhất, đồng bộ phù hợp tính chất, mức độ công việc chuyên môn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng

Đại biểu nhấn mạnh: cán bộ, công chức cấp xã gần dân nhất phải được xác định là quan trọng nhất, cần được đầu tư thích đáng về mọi mặt, nhất là trình độ, năng lực, chế độ, chính sách đãi ngộ./.

Bảo Yến