THẢO LUẬN TỔ 11: ĐỀ NGHỊ GỬI PHIẾU XIN Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ VIỆC BAN HÀNH LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

11/11/2020

Sáng 11/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc tách Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ Luật Giao thông đường bộ sẽ làm phức tạp, khó khăn trong quản lý nhà nước và tổ chức thi hành luật; và do còn ý kiến khác nhau về việc ban hành luật nên cần lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Thảo luận tại Tổ số 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và TP.Cần Thơ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thảo luận tại Tổ số 11 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre và TP.Cần Thơ, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, một số nội dung chưa được đánh giá tác động rõ ràng, đầy đủ. Có ý kiến cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong quản lý điều hành, sẽ khó khăn phức tạp trong tổ chức thực hiện.

Cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ cho biết, qua tiếp xúc cử tri và tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc tách Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ Luật Giao thông đường bộ cho thấy, đa số ý kiến đều không tán thành và cho rằng việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ gây mâu thuẫn, chồng chéo và phức tạp.

Đại biểu chỉ rõ, các quy định về quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được tách và điều chỉnh trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ dẫn tới sự trùng lắp, thiếu đồng bộ về nội dung, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng và tổ chức thực hiện. Do đó nhiều ý kiến đề nghị không tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai Luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, cần tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.  Đại biểu cho rằng việc quy định chung trong Luật Giao thông đường bộ như hiện hành đảm bảo áp dụng thống nhất, bao quát từ xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng đến quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Quyền – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ cho rằng bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ không phải là một lĩnh vực riêng trong quản lý nhà nước để có thể có luật chuyên ngành điều chỉnh. Đại biểu làm rõ, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì giúp Chính phủ trong bảo đảm trật tự an toàn nói chung trên tất cả các lĩnh vực, tổng thể trật tự an toàn chung của toàn xã hội. Do đó Luật Giao thông đường bộ hiện hành dù không tách riêng nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng Bộ Công an cũng có trách nhiệm phối hợp. Mặt khác nếu tách riêng trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra điều chỉnh thì các mảng khác như an toàn giao thông hàng không, hàng hải cũng phải tách ra.

Đại biểu Cao Văn Trọng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ quan điểm, nếu ban hành hai luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là không hợp lý. Một luật quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, một luật lại quy định quy tắc giao thông sẽ dẫn đến khó khăn, không đồng bộ, bởi kết cấu hạ tầng gắn với biển báo, chỉ báo giao thông gắn với quy định vận hành trên đó. Đại biểu chỉ rõ, điều này làm thay đổi kết cấu Luật Giao thông đường bộ, đồng thời giữa hai luật có sự trùng lặp nội dung quy định chung, giải thích từ ngữ, điều khoản thi hành. Đồng thời gây phức tạp, rườm rà trong hệ thống pháp luật, trong quản lý điều hành, khó theo dõi. Do đó, đại biểu Cao Văn Trọng cho rằng nên sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ một cách đồng bộ, thống nhất thay vì tách thành 2 luật.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tihr Bến Tre 

Tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Quyền và đại biểu Cao Văn Trọng cho rằng nếu cần thiết thì có thể xem xét ban hành Luật về An toàn giao thông, quy định chung cho tất cả các mảng giao thông từ đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải và có thể có giao thông ngầm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn đại biểu Quốc hội tihr Bến Tre cho rằng không thể tách thành hai Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu làm rõ, việc tách hai luật sẽ ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như của hệ thống; cùng với đó là chia lẻ, riêng rẽ trong chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó phối hợp, nguy cơ xung đột, tạo ra tiền lệ pháp lý không tốt. Việc tách luật vừa không phù hợp về mặt khoa học, không nhận được sự đồng tình của người dân đồng thời ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy, cán bộ, phương tiện, ngân sách, cơ chế xử lý các vấn đề phát sinh.

Băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng bày tỏ băn khoăn đối với lý giải của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở tách từ Luật Giao thông đường bộ. Theo lý giải của Chính phủ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ là phần tĩnh và trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phần động. Do đó tách phần tĩnh giao Bộ Giao thông vận tải quản lý và phần động chuyển cho Bộ Công an. Theo đại biểu Đặng Thuần Phong, cả hai nội dung tĩnh và động có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học. Nếu chỉ quy định về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì sẽ là nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Đại biểu Đặng Thuần Phong – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Đặng Thuần Phong nhấn mạnh trong giao thông đường bộ có 4 yếu tố cấu thành là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển và người tham gia giao thông và các quy tắc giao thông đường bộ. Khi đó nếu lấy tách luật và quy định về quy tắc giao thông đường bộ, về phương tiện, người điều khiển và người tham gia giao thông để quy định trong Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ phá vỡ hoàn toàn kết cấu trên, không bảo đảm tính khoa học, thực tiễn. Do đó việc tách luật cần có đánh giá tác động kỹ và cân nhắc một cách sâu sắc. Đại biểu cũng cho rằng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, làm sao giảm tai nạn, không quá tải ảnh hưởng đến đường xá… là mục tiêu chứ không phải phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Nếu lấy mục tiêu làm đối tượng điều chỉnh là chưa phù hợp.

Đại biểu Đặng Thuần Phong chỉ rõ báo cáo đánh giá tác động của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn sơ sài, chưa đánh giá được đầy đủ các khía cạnh của chính sách, đánh giá còn định tính thiếu định lượng. Do đó cần làm rõ sự khác biệt, đổi mới của các phương án thay cho quy định hiện hành, đánh giá dựa trên số liệu, số liệu về giảm thiệt hại do tai nạn, ùn tắc giao thông, đánh giá nguyên nhân của tại nạn giao thông bao nhiêu do người tham gia giao thông, bao nhiêu do chất lượng phương tiện và bao nhiêu do chất lượng công trình giao thông đường bộ. Báo cáo đánh giá tác động chưa làm rõ được việc lý do, tình hình thực tiễn, các phương án tác động khi chuyển một số nhiệm vụ từ Luật Giao thông đường bộ sang Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Đặng Thuần Phong nhấn mạnh việc xây dựng luật phải giải quyết được những vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra và như câu hỏi đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đặt ra nếu đưa vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thì có góp phần làm giảm tai nạn giao thông, giải quyết được vấn đề bằng giả hay phương tiện không bảo đảm chất lượng lưu hành.

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách hai luật

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra, phải quy định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển hạ tầng đáp ứng nhu cầu giao thông giải quyết nguyên nhân gây tắc đường, hành lang an toàn giao thông, kiểm soát quản lý xử lý vi phạm trong giao thông.

Cùng với đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Phan Viết Lượng đều cho rằng cần tổ chức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và một số nội dung còn ý kiến khác nhau./.

Bảo Yến