CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI HẠN CHẾ TRONG DỰ ÁN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ HIỆN HÀNH

29/10/2020

Trong Hồ sơ dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại diện cơ quan soạn thảo đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trong dự án Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Đại diện cơ quan soạn thảo báo cáo một số nội dung

Theo đại diện cơ quan soạn thảo- Bộ Giao thông vận tải cho biết, những hạn chế của dự án Luật Giao thông đường bộ hiện hành xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cụ thể:

Về nguyên nhân chủ quan, các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường bộ chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý giao thông đường bộ. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết liệt vào cuộc trong việc triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ; chưa quan tâm đúng mức trong việc quy hoạch, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Một số địa phương thường xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại bám vào quốc lộ mà không xây dựng hệ thống đường gom, đường thoát nước làm hạn chế khả năng thông hành của quốc lộ, mất an toàn giao thông, gây ngập úng làm hư hỏng công trình đường bộ.

Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý vận tải tại các địa phương còn hạn chế cả về số lượng và nghiệp vụ. Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở đào tạo lái xe chưa cao, đội ngũ giáo viên một số nơi còn hạn chế về nghiệp vụ; công tác thanh, kiểm tra giám sát về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe tại một số địa phương còn hạn chế. Chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục và theo dõi thi hành pháp luật về an toàn giao thông đối với lái xe. Lực lượng làm công tác bảo đảm việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ chưa được quan tâm thỏa đáng.

Về nguyên nhân khách quan, đại diện cơ quan soạn thảo chỉ ra rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông. Vận tải đường bộ đang phải đảm nhiệm tỷ trọng lớn trong vận tải nói chung kể cả vận tải hành khách lẫn vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân còn hạn chế cùng với các thói quen, tập quán, cách nghĩ, cách làm lạc hậu bảo thủ còn tồn tại nhiều như thói quen đi lại tùy tiện; thói quen buôn bán nhỏ bám mặt đường, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; nhiều người vi phạm không chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, hệ thống đường bộ được nâng cấp cải tạo chủ yếu là từ hệ thống đường cũ, do kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chỉ tập trung chính vào việc xây dựng các công trình đường bộ để phục vụ giao thông; chưa đền bù, thu hồi đủ phần đất của đường bộ (đất bảo vệ, bảo trì đường bộ), phần đất hành lang an toàn đường bộ hầu như chưa đền bù, hỗ trợ. Dự kiến tổng mức đền bù hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống quốc lộ khoảng 713.160.546 triệu đồng, khó khả thi trong triển khai thực hiện. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn hẹp trong khi nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong toàn quốc là rất lớn. Việc tham gia xã hội hóa đầu tư xây dựng đường bộ chủ yếu ở các tuyến đường lớn, trọng điểm vì vậy các tuyến đường địa phương, vùng sâu, vùng xa chưa được xây dựng, nâng cấp, cải tạo. Mặt khác việc mở rộng, nâng cấp, cải tạo đường bộ đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng cần đến nguồn lực và sự đồng thuận lớn của các tổ chức, cá nhân. Các hệ thống pháp luật có liên quan cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây sự lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc áp dụng, thực thi các cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã nêu, đại diện cơ quan soạn thảo nêu rõ, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phù hợp với Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ năm 1968 và thực tiễn phát sinh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ cho sự đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng Giao thông đường bộ; đảm bảo trật tự an toàn Giao thông đường bộ và chống ùn tắc giao thông./.

Hồ Hương