ĐÃ TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ PHỨC TẠP GÂY BỨC XÚC DƯ LUẬN

29/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, báo cáo Quốc hội về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các lực lượng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm xâm phạm TTXH, gây bức xúc dư luận;

Tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo các lực lượng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, gây bức xúc dư luận. Đồng thời, phối hợp tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi; đồng thời triển khai xây dựng mô hình “Phòng điều tra thân thiện” tại Công an 20 đơn vị, địa phương.

Quốc hội nghe báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội năm 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục đề ra các kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Ban Chỉ đạo 138/CP đã yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đấu tranh, triệt xóa băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn; triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Chỉ đạo tăng cường các giải pháp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trục lợi...

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong kỳ báo cáo, đã có 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội được điều tra, làm rõ, đạt tỷ lệ 85,69% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 88,55%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,92%); khởi tố 44.425 vụ (tăng 5,55%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em, các vụ việc do người chưa thành niên gây ra được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Trong 9 tháng đầu năm đã xử lý hình sự 915 vụ/986 đối tượng, xử lý hành chính 78 vụ, 85 đối tượng xâm hại trẻ em; 2.153 vụ/3.382 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội và vi phạm pháp luật. Đã phát hiện 64 vụ, liên quan đến 107 đối tượng mua bán người (giảm 22,86% số vụ, tăng 0,93% số đối tượng); tổ chức tiếp nhận, giải cứu 185 nạn nhân bị mua bán trở về.

Triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại , trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng đầu năm đã khởi tố 513 vụ, 815 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó đã khởi tố 243 vụ, 528 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đồng thời, qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm số vụ phạm pháp hình sự; trong đó nhiều loại tội phạm được kéo giảm.

Tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng chỉ rõ tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, làm 1.203 người chết (giảm 1,23%), 10.138 người bị thương (giảm 9,64%). Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng; đặc biệt, số vụ giết người thân tăng mạnh với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn. Số vụ giết người, cướp tài sản tuy giảm  song hành vi manh động, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân.

Tội phạm có tổ chức tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát; tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm có dấu hiệu buông lỏng; công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, đưa vào diện quản lý hoặc chưa bị triệt phá.

Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến. Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau gây bức xúc trong nhân dân. Tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp; nhiều đối tượng là thân nhân, người quen của nạn nhân. Tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tình trạng giả danh các cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Tệ nạn mại dâm ngày càng tinh vi, nhiều đường dây mua bán dâm hoạt động liên tỉnh, cá biệt có sự tham gia của một số học sinh, sinh viên, diễn viên, người mẫu, hoa hậu.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán dịch vụ, kinh doanh đa cấp còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tình trạng tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép, nhất là trên tuyến biên giới Việt – Trung, các nước Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lưu ý một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý, về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 9,91%; gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống người thi hành công vụ tăng 14,97%, trong đó xảy ra 364 vụ chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ, tăng 260%. Số vụ giết người thân tăng mạnh với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn... Số vụ giết người, cướp tài sản tuy giảm song hành vi của đối tượng manh động, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng, bất an trong nhân dân. Mặt khác, công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đáng lưu ý, đã xuất hiện một số hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, người thân của họ để thu hồi nợ đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội; tuy nhiên, việc quản lý và phòng ngừa còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan tư pháp đánh giá cụ thể nguyên nhân dẫn đến gia tăng đột biến một số loại tội phạm: gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hiếp dâm trẻ em và đề ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả trong thời gian tới./.

Bảo Yến