GÓP Ý DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: TẦM NHÌN VÀ KHÁT VỌNG VỀ MỘT NƯỚC VIỆT NAM PHÁT TRIỂN, THU NHẬP CAO

27/10/2020

Trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tầm nhìn và khát vọng có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Khát vọng, tuy không đo đếm được, nhưng chính là sức mạnh. Đó là “lắng đọng của tư tưởng”, “đáy” của sự bồi lắng văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta nâng tầm, “đốt lửa” và khơi dậy khát vọng đó lên, hướng mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.

 

 

Tầm nhìn và khát vọng - mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ

- Thưa Phó Chủ tịch, với những điểm mới đã được Phó Chủ tịch chỉ ra, nhìn tổng thể có thể thấy, yếu tố bền vững trong phát triển đất nước giai đoạn tới được thể hiện rõ nét hơn trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng?

- Bạn hãy nghe câu kết trong bài Tiến quân ca: “Nước non Việt Nam ta vững bền”. Đất nước vững bền là ý chí, mong muốn của chúng ta. Muốn đất nước vững bền thì phát triển phải bền vững. Ở đây là sự phát triển tổng hợp, không thể chỉ là kinh tế, không chỉ là tốc độ tăng trưởng mà còn cả các vấn đề xã hội, văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh và sự hài lòng của người dân.

Nhìn lại những bước đi của chúng ta, nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, càng cho thấy, chúng ta đã chọn con đường phát triển đi lên của đất nước là đúng đắn. Qua đại dịch Covid-19, nhìn ra thế giới, rõ ràng nhiều nước giàu có hơn mình gấp nhiều lần, nhưng khi có sự việc xảy ra, thì những tư duy theo kiểu chủ nghĩa cá nhân kinh tế thị trường thuần túy có cơ hội bộc lộ rõ, và nó dẫn tới những hậu quả vô cùng tai hại, số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 tăng rất nhanh, theo cấp số nhân. Nhưng với Việt Nam ta thì như thế nào, dù giàu hay nghèo, ai mắc Covid-19 đều được chăm sóc, cứu chữa ở mức độ cao nhất. Chưa kể chúng ta còn cứu chữa cho cả người nước ngoài. Nếu tính trên tỷ lệ GDP bình quân đầu người và so với tỷ lệ người mắc Covid-19 cũng như số người tử vong vì Covid-19, thì chúng ta được quốc tế đánh giá là một điểm sáng trong phòng, chống đại dịch.

Nhờ đâu chúng ta có được kết quả đó? Chính là vì chúng ta đã chọn được con đường đúng là xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, với tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình. Rất nhiều đồng bào ta sinh sống, học tập ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra sự cố, như đại dịch Covid-19, trong điều kiện nguồn lực có hạn, chúng ta vẫn đón hàng nghìn người về nước an toàn, trong đó nhiều người bị nhiễm Covid-19, để chăm sóc, chữa bệnh. Nhiều người trong số đó chia sẻ rằng, họ thấy không đâu bằng quê hương, đất nước, dù còn nghèo, nhưng vẫn là nơi an toàn, hạnh phúc nhất. Rõ ràng, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng chúng ta có cách chia sẻ của chúng ta. Đó chính là định hướng xã hội chủ nghĩa, một tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng, đùm bọc được chia sẻ; và hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của chúng ta giải quyết được những vấn đề mang tính cấp bách, bất ngờ như vậy.

Trở lại với ba trụ cột trong phân phối của cải cách xã hội, chúng ta phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế; phân phối theo vốn tham gia vào quá trình sản xuất; và phân phối qua an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, trong đó trụ cột thứ nhất và thứ ba được nhấn mạnh, làm sâu sắc hơn trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Như tôi đã nói, đây là những công cụ để khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường. Cho nên, nói đại dịch Covid-19 là một “phép thử” là thế. Khi đối mặt với những cú sốc mới thấy rõ giá trị của xã hội mình đang có là hợp lý, đúng đắn, mà khi thuận lợi, giàu có có khi người ta không nhận ra.

- Thưa Phó Chủ tịch, trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII lần này, vấn đề tầm nhìn và khát vọng được đặt ra rõ nét, không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà tầm nhìn tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước với khát vọng, mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Phó Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Cần khẳng định, Đại hội XIII chính là dấu mốc bản lề. Thứ nhất bởi chúng ta đã đạt được những thành tựu sau 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới với vị thế, tiềm lực, điều kiện hoàn cảnh đất nước ở mức độ cao so với trước đây. Cho nên, chúng ta phải xác định cho mình một hướng đi tới ở trình độ cao hơn. Thứ hai, chúng ta vừa kết thúc Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm (2011 - 2020) và cần phải xây dựng Chiến lược cho 10 năm tới. Đã là chiến lược thì không chỉ là 10 năm trong giai đoạn được xác định, mà cần tầm nhìn xa hơn từ 10 - 15 năm. Cho nên không chỉ là dấu mốc đến 2030 mà cần có tầm nhìn đến 2045. Để có chiến lược phù hợp thì phải có tầm nhìn lâu dài. Hướng đến một đất nước "phát triển, thu nhập cao" thì phải xây dựng kế hoạch, chiến lược phù hợp với “đường ray” chúng ta đã xác định.

Chúng ta thường nói, vật chất quyết định ý thức, nhưng thực tế có những lúc ý thức quyết định, tác động lên vật chất. Chính vì thế, chúng ta đặt vấn đề “khát vọng”. Cho nên, tầm nhìn và khát vọng có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Khát vọng, tuy không đo đếm được, nhưng chính là sức mạnh. Sức mạnh đó của một dân tộc, một đất nước không phải ngày một, ngày hai có được, mà đó là sức mạnh nghìn năm tích tụ. Nói cách khác, đó là “lắng đọng của tư tưởng”, “đáy” của sự bồi lắng văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Chúng ta nâng tầm, “đốt lửa” và khơi dậy khát vọng đó lên. Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII đặt vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là vì thế. 

Quốc hội phải tiên phong trong xây dựng thể chế

- Với những điểm mới cả về lý luận và thực tiễn được thể hiện trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII thì Phó Chủ tịch kỳ vọng gì vào con đường phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới và xa hơn nữa?

- Khi đã xác định được mục tiêu, định hướng, tư duy, tương tự như một “kim chỉ nam”, thì chúng ta phải tổ chức thực hiện. Sau ước mơ phải là hành động. Đương nhiên sẽ có những khó khăn, thử thách. Chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020, đến năm 2021 liệu đã có thể trở lại trạng thái bình thường khi chưa có vaccine. Kể cả trong trường hợp chúng ta kiềm chế, kiểm soát tốt dịch bệnh, thì một nền kinh tế có độ mở lớn như ta cũng khó hoạt động bình thường khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Như vậy, rất có thể trong những tháng đầu năm, thậm chí nửa năm đầu 2021, chúng ta tiếp tục gặp khó khăn, và tiếp sau đó cần có giai đoạn để có thể phục hồi, phát triển.

Cho nên, việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm rất lớn, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa. Trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (2021 - 2022), chúng ta phải làm sao để nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại bình thường, sớm trở lại quỹ đạo phát triển, và đến 2023 - 2025, trên nền tảng đã có, chúng ta mới bắt đầu có thể tăng tốc và đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân như kỳ vọng. Chỉ khi nào chúng ta thấy được khó khăn, thách thức mới có thể có hành động đúng, chỉ ra được phương pháp, nhiệm vụ, giải pháp đúng. Rất mừng là trong dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII đã nghiêm túc cập nhật tình hình mới, trong đó xác định rõ đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Đây là điểm cốt yếu phải tính tới khi chúng ta tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. 

- Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ Mười này, Quốc hội sẽ dành một ngày để đóng góp vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo Phó Chủ tịch, với vai trò là cơ quan lập hiến - lập pháp, Quốc hội và cá nhân Phó Chủ tịch sẽ có đóng góp như thế nào để bổ sung, hoàn thiện dự thảo các Văn kiện?

- Với tư cách cá nhân, tôi cũng đã có đóng góp cho dự thảo các Văn kiện Đại hội. Nhưng theo tôi, chúng ta cần tiếp tục khẳng định 3 đột phá chiến lược, trong đó đầu tiên là hoàn thiện thể chế. Muốn giải phóng sức sản xuất thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế cho hợp lý, tháo gỡ cho được các rào cản, các điểm nghẽn. Trong xây dựng thể chế thì rõ ràng Quốc hội phải tiên phong trong công việc này. Ở đây không chỉ là vấn đề cơ chế, chính sách, mà phải nói đến vấn đề tổ chức. Đây là những yếu tố tổng thể hoàn chỉnh. Cho nên, nếu có đóng góp vào dự thảo các Văn kiện, các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia nhiều vào vấn đề thể chế.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)