BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIẢI TRÌNH, LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA DỰ ÁN LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

23/10/2020

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tại phiên thảo luận, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đồng thời, đề xuất thêm một số vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật này.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng chỉ giao đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế. Có ý kiến đề nghị không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nguyên tắc về việc quản lý lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp để có căn cứ cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết. Một số nội dung như về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ; về tiền dịch vụ, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật trong đó có vấn đề giao nhiệm vụ cho Trung tâm dịch vụ việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước nhu cầu từ các địa phương của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ đã đồng ý cho 6 tỉnh làm thí điểm. Theo đó, 6 tỉnh này làm việc thí điểm với các địa phương của Hàn Quốc, chỉ tập trung đưa một lực lượng lao động ngắn hạn 3 tháng đến 5 tháng ở độ tuổi lao động cho đến 60 tuổi. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết; đây cũng là giải pháp để cắt giảm chi phí cho người lao động, bởi vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, ở đây không có tranh chấp với doanh nghiệp bởi hoạt động này hoàn toàn phi lợi nhuận. Trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân một địa phương của Việt Nam với phía Hàn Quốc, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo với các Bộ là Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao đồng ý thì mới tiến hành. Như vậy, trung tâm này chỉ thực hiện ở công việc khi được giao. Hơn nữa, hoạt động này diễn ra ở những thời điểm nhất định, thời gian thực hiện trong 3 đến 5 tháng. Hoạt động này không làm phát sinh bộ máy, tổ chức mới.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, sau Kỳ họp thứ 9, Bộ đã có trao đổi lại với cơ quan quản lý lao động của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản đang phối hợp để xuất khẩu lao động và nhận được câu trả lời là phía Hàn Quốc, Nhật Bản không thống nhất nếu giao cho doanh nghiệp thực hiện bởi đây là hoạt động phi lợi nhuận. Phía nước ngoài chủ đồng ý về nguyên tắc giao cho một đơn vị trực thuộc tỉnh, nhưng không thu phí, không có lợi nhuận. Do đó, không giao cho đơn vị phi lợi nhuận thì cũng có nghĩa là cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của sẽ mất đi.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho biết thêm trong quản lý lao động ngoài nước rất cần quỹ này. Bản chất của quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Quỹ này chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư, nhưng không đáp ứng và những tình huống cấp bách. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian tới, sau khi Quốc hội cho phép có thể sẽ phải ban hành nghị định hoặc nếu luật cho phép có thể giao cho Thủ tướng ban hành quyết định thành lập quỹ và giao cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy với tinh thần không tăng bộ máy và không tăng biên chế.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Về minh bạch thu tiền dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2007 thì tất cả việc thu tiền dịch vụ, tiền môi giới của các doanh nghiệp đối với người lao động thực hiện bằng một quyết định. Thời gian vừa qua mặc dù có quy định công khai nhưng có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới từ thu phí đằng sau. Do đó, dự thảo Luật lần này tại Điều 24 quy định toàn bộ mức thu lệ phí và môi giới vào trong luật. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một tiến bộ rất lớn, đã cụ thể hóa nâng quy định của Nghị định vào Luật. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán cũng như trong các thỏa thuận quốc tế giữa các nước thường có quy định mức phí cụ thể như điều dưỡng viên thì mức khác, lực lượng lao động nông nghiệp mức khác. Do đó Ban soạn thảo đề nghị ngoài quy định ở trong Luật này thì cần phải thêm những quy định khác mà theo điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế giữa 2 quốc gia thì giao cho Chính phủ quy định.

Về lao động đường biên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là nội dung hoàn toàn khác không chi phối được trong Luật này. Vì vậy Chính phủ giao đã cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương xây dựng một nghị định không đầu để quản lý việc này, để đảm bảo minh bạch nhất, nhanh nhất nhưng có hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra để tiếp thu ý kiến và trình với Quốc hội xem xét thông qua./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác