QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NSNN NĂM 2020, DỰ TOÁN VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NSTW NĂM 2021; DỰ KIẾN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 5 NĂM QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025

20/10/2020

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều 20/10, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2020, dự toán và phương án phân bổ NSTW năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2020, dự toán và phương án phân bổ NSTW năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng hầu hết đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội nước ta và ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước. Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, cùng với sự phối hợp của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp  tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết... góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Toàn cảnh Phiên họp

Về kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016- 2020, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ thu vào ngân sách nhà nước vượt theo Nghị quyết của Quốc hội, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng. Tuy nhiên, dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch, trong năm 2020 thu ngân sách nhà nước giảm. Đồng thời giai đoạn vừa qua cơ bản chưa điều chỉnh được chính sách về tăng thu như kế hoạch.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ trưởng cho biết, do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo  đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên. Đối với dự toán thu nội địa, Chính phủ dự kiến xây dựng dự toán thu nội địa tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020, là mức tăng tương đối thấp so với mức bình quân khoảng 10% của 3 năm gần đây. Về dự toán thu dầu thô, Chính phủ dự kiến mức giá 45USD/thùng là tương đương so với giá dự kiến thực hiện năm 2020.

Về định hướng kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025, để đảm bảo cơ cấu đầu tư phát triển giữa NSTW, dự kiến phải điều chỉnh chính sách, để tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW. Đây là rủi ro rất lớn đặt trong bối cảnh các khoản thu NSTW hưởng 100% như thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm. Các khoản thu ngân sách của một số địa phương tăng chậm do hoạt động sản xuất kinh doanh cần có thời gian khôi phục sau tác động cảu đại dịch Covid-19, cũng như pahir dành nguồn hợp lý để các địa phương trọng điểm kinh tế thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã phân cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, tại báo cáo này, Chính phủ kiến nghị một số nội trong dự toán NSNN năm 2021, cụ thể: Đề nghị cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác; Về đề nghị cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương; Đề nghị cho phép loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải khi tính số tăng thu NSĐP thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để tạo nguồn cải cách tiền lương; Thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị./.

Hồ Hương- Bùi Hùng