CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NGUYỄN VĂN GIÀU BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI TRONG NĂM CHỦ TỊCH AIPA

20/10/2020

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.

Tại Kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Theo nguyên tắc luân phiên của Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), được sự nhất trí của Bộ Chính trị về Đề án tổng thể Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA năm 2020 và tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 như sau:

AIPA được thành lập năm 1977, gồm 10 nghị viện là cơ quan lập pháp của các quốc gia thành viên ASEAN và 12 nghị viện quan sát viên. Đây là lần thứ 3 Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức Đại hội đồng AIPA, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam là thành viên AIPA. Tiếp theo thành công của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tháng 3/2015 và Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF 26) tháng 1/2018, việc Quốc hội nước ta đảm nhận vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức ĐHĐ AIPA 41 là triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XII và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm ngoại giao đa phương đến năm 2030. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận đồng thời ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. 


 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu.

Năm Chủ tịch AIPA bắt đầu từ tháng 10/2019 và kết thúc vào tháng 9/2020. Sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch AIPA 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA 41. Ban Tổ chức AIPA 41 đã thành lập các Tiểu ban Nội dung; Tiểu ban Lễ tân, Hậu cần, An ninh, Y tế; Tiểu ban Thông tin, Tuyên truyền và Ban Thư ký Quốc gia AIPA 41, thành lập đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam gồm 38 đại biểu do đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn. Đại hội đồng AIPA 41 dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 9/2020 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đầu tháng 7/2020, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Bộ Chính trị điều chỉnh các hoạt động trong Năm Chủ tịch AIPA và ĐHĐ AIPA 41 sang hình thức họp trực tuyến.

Ngay từ tháng 11/2019, Ban Tổ chức AIPA 41 đề xuất chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm gắn với sự phát triển của ngoại giao nghị viện trong khu vực và trên thế giới, kết nối AIPA với IPU và các diễn đàn nghị viện khác mà không trùng lặp với chủ đề của các Đại hội đồng trước đó; thể hiện được thông điệp AIPA song hành với ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”; thúc đẩy thực hiện các cam kết vì phát triển bền vững, mở rộng quan hệ đối tác với các nước và các tổ chức quốc tế khác vì phát triển bền vững trong đó có IPU, UN, APPF. Chủ đề này nhận được đồng thuận của 10/10 Nghị viện thành viên AIPA.

Các hoạt động trong Năm Chủ tịch AIPA 2020

Trong Năm Chủ tịch AIPA 2020, trọng tâm là tổ chức Đại hội đồng AIPA 41, theo thông lệ của AIPA và sáng kiến do Quốc hội Việt Nam đề xuất được sự nhất trí các Nghị viện thành viên AIPA, Quốc hội Việt Nam chủ trì và phối hợp tổ chức các hoạt động lớn sau:

Thư của Chủ tịch AIPA gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA về đại dịch COVID-19

Trước tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát, ngày 30/3/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với tư cách là Chủ tịch AIPA đã gửi thư tới các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA. Thư Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những mất mát, tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra đối với người dân ASEAN, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng Chính phủ đối phó với đại dịch bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của các đại biểu, thông qua các biện pháp và chính sách do Chính phủ đề xuất, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân, lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương. Thư của Chủ tịch Quốc hội đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà Lãnh đạo Nghị viện thành viên AIPA.

Phiên đối thoại theo hình thức trực tuyến giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và AIPA

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA dẫn đầu Đoàn AIPA tham dự Phiên đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và AIPA theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/6/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Phiên đối thoại với vai trò là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA. Cùng ngày, Chủ tịch Thường trực Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và PCTTTQH Tòng Thị Phóng tham dự Lễ Khai mạc và Phiên họp đặc biệt về trao quyền cho phụ nữ trong thời đại số trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36.

Các hoạt động của Chủ tịch Thường trực Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và các đại biểu Quốc hội Việt Nam tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, đặc biệt là Phiên đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN và AIPA diễn ra thành công tốt đẹp, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 cũng như của Quốc hội nước ta trên cương vị Chủ tịch AIPA năm 2020. Cuộc gặp Lãnh đạo ASEAN-AIPA lần này thể hiện sự sinh động với sự tham gia của đông đảo các nghị viện AIPA, đúng tinh thần đối thoại, cởi mở, tăng cường sự chia sẻ và hiệu quả. Mặc dù được tổ chức họp theo hình thức trực tuyến, phiên họp với sự tham gia của 06 Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch Quốc hội và phiên họp kéo dài thời gian hơn so với thông lệ hàng năm, cho thấy sự ưu tiên của ASEAN và AIPA đối với phiên đối thoại. Đặc biệt, với tư cách Chủ tịch Năm AIPA, Quốc hội Việt Nam dự thảo Thông điệp AIPA trình bày tại Phiên đối thoại được Nghị viện các nước tham gia đồng thuận cao.

Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về phòng chống hiểm họa ma túy lần thứ 3 (AIPACODD 3) theo hình thức họp trực tuyến vào ngày 29/6/2020 tại Nhà Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên do Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA 2020. Hội nghị trực tuyến AIPACODD 3 với chủ đề “Biến lời nói thành hành động hướng tới Cộng đồng ASEAN không ma túy” là cơ hội để các Nghị viện thành viên chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự phối hợp trong lĩnh vực phòng chống ma túy, nhấn mạnh hiểm họa ma túy trên thế giới và khu vực Đông Nam Á ngày càng phức tạp, đe dọa đến an ninh kinh tế và gây ra nhiều hệ lụy xã hội đối với các quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến đại dịch COVID-19, các nước trên thế giới và các nước ASEAN đang đương đầu với mối an ninh phi truyền thống “kép” đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác ứng phó của các quốc gia.


Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết của Hội nghị nhấn mạnh những nội dung chính gồm tái khẳng định quan điểm, lập trường chủ đạo của ASEAN về phòng, chống ma tuý; nhận diện các thách thức vốn có và những thách thức mới trong công tác phòng, chống ma tuý trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19; khẳng định tiếp tục một số giải pháp ứng phó ma tuý truyền thống, điều chỉnh các chương trình và kế hoạch phòng, chống ma tuý để giải quyết những thách thức mới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hội nghị đối tác nghị viện AIPA về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là Hội nghị AIPA-ECC) theo hình thức họp trực tuyến vào ngày 30/7/2020 tại Nhà Quốc hội

Đây là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động AIPA theo sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 2020. Chủ đề “đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” mang tính thời sự, được các nước khu vực và quốc tế quan tâm. Ngoài sự tham dự của các Nghị viện thành viên AIPA và Ban Thư ký AIPA, Hội nghị có sự tham gia của Tổng Thư ký IPU, đại diện Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới và UNESCO tại Việt Nam. Kết quả Hội nghị được đưa vào báo cáo tại Ủy ban Xã hội và trình Đại hội đồng AIPA 41 thông qua. Nghị quyết của Hội nghị đã được thông qua với sự đồng thuận cao, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn và cấp thiết của chủ đề văn hóa giáo dục vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sự quan tâm của các nghị viện AIPA và sự đồng thuận của AIPA thúc đẩy hoạt động về vấn đề này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Thành công của Hội nghị AIPA-ECC một lần nữa khẳng định uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức Hội nghị cũng như nỗ lực của Quốc hội Việt Nam với vai trò Chủ tịch AIPA 2020 nhằm phát triển quan hệ đối tác nghị viện trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thúc đẩy kết nối AIPA với IPU, tăng cường nguồn lực, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, duy trì bản sắc văn hóa ASEAN và thúc đẩy chất lượng giáo dục (Mục tiêu số 4 Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc).

Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 tổ chức theo hình thức họp trực tuyến từ ngày 08-10/9/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội

Sự kiện quan trọng nhất trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 là Đại hội đồng AIPA 41 tổ chức theo hình thức họp trực tuyến từ ngày 08-10/9/2020 với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41. Việc chuyển hình thức họp trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thể hiện quyết tâm, ý chí, sự linh hoạt và chủ động của Quốc hội Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị đối ngoại trong năm 2020. Theo Điều lệ của AIPA, Quốc hội Việt Nam với vai trò nước chủ nhà chịu trách nhiệm  xây dựng dự thảo Chương trình nghị sự, Chương trình hoạt động Đại hội đồng và được 100% Nghị viện thành viên AIPA tán thành, đồng thuận thông qua.

Tham dự ở đầu cầu Việt Nam trong buổi Lễ Khai mạc, Đại hội đồng AIPA 41 trân trọng đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Đại hội đồng đã nhận được Thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến Đại hội đồng theo hình thức trực tuyến. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại buổi Lễ Khai mạc.

Đại hội đồng AIPA 41 với sự tham gia đông đảo gần 400 đại biểu từ các Nghị viện thành viên, Nghị viện quan sát viên, các vị khách mời và đại biểu quốc tế, trong đó có hơn 230 đại biểu Quốc hội, đặc biệt có 11 Chủ tịch Quốc hội (Thái Lan có cả Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện), 14 Phó Chủ tịch Quốc hội từ các Nghị viện thành viên AIPA, đạt kỷ lục về cấp tham dự của các Đại hội đồng AIPA. Với sự tham gia của Tổng Thư ký IPU, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng AIPA 41 đã tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa IPU, UN và AIPA, phản ánh một xu hướng phát triển của nền ngoại giao nghị viện, đồng thời thể hiện uy tín và vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương và khu vực. Các Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn các Nghị viện đều đánh giá cao và cảm ơn sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công của Đại hội đồng AIPA 41. Đồng thời khẳng định thành công ĐHĐ AIPA 41 là sự thể hiện tin tưởng, ủng hộ cách tiến hành, những sáng kiến của Quốc hội Việt Nam của tất cả các Nghị viện thành viên và Nghị viện quan sát viên.

Đại hội đồng AIPA 41, theo sáng kiến Quốc hội nước ta, áp dụng phương thức mới gộp các đề xuất chủ để thảo luận tại mỗi Ủy ban trong cùng một nghị quyết, sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của các Nghị viện thành viên, thích ứng với phương thức làm việc trong điều kiện họp trực tuyến. Việc xin ý kiến và tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của Nghị viện thành viên qua 3 vòng  trước ngày khai mạc Đại hội đồng đảm bảo phần điều hành thảo luận về dự thảo nghị quyết tại hầu hết các Hội nghị, Ủy ban diễn ra tương đối thuận lợi và đạt được đồng thuận của các nước. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất và được sự nhất trí cao của các Nghị viện thành viên về đổi mới cách thức tiến hành các phiên họp trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 như họp Ban Chấp hành, họp Ủy ban soạn thảo Thông cáo chung và họp đối thoại ASEAN-AIPA, đảm bảo Đại hội đồng AIPA 41 tổ chức theo hình thức trực tuyến gọn, hiệu quả mà vẫn tuân thủ Quy chế, Điều lệ của AIPA; những sáng kiến nội dung của Quốc hội Việt Nam bao gồm quan hệ đối tác nghị viện về hợp tác văn hóa giáo dục vì sự phát triển bền vững, hình thành cơ chế Hội nghị nghị sỹ trẻ của AIPA cũng như những nghị quyết và nội dung nghị quyết do Việt Nam bảo trợ tại Hội nghị Nữ nghị sỹ WAIPA, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội được Đại hội đồng AIPA 41 thông qua, thể hiện rõ chất lượng văn kiện và sự tham gia chủ động, sâu sắc và có thực chất của Quốc hội Việt Nam trong AIPA. Sự điều hành của Việt Nam trong các vấn đề chính trị, an ninh, cách tiếp cận mềm mỏng, thực chất và mang tính xây dựng cao thể hiện trong việc tổ chức được Phiên họp của Ủy ban Chính trị sau 3 kỳ Đại hội đồng bị gián đoạn được các Nghị viện thành viên ghi nhận qua đó góp phần tăng cường đoàn kết trong khu vực cũng như bảo vệ được lợi ích cốt lõi của nước ta trong vấn đề Biển Đông được nêu trong Thông cáo chung của Đại hội đồng.

Đại hội đồng AIPA 41 đã thông qua 26 nghị quyết và 01 Thông cáo chung. Các chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng là rất phù hợp; nội dung phong phú, sát với tình hình thực tiễn; đặc biệt là về các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch; tầm quan trọng của việc củng cố hoà bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Nhiều Đoàn nêu vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 UNCLOS; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC; nhất trí thúc đẩy để sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử COC. Các ý kiến đều nhất trí về các ưu tiên của AIPA cũng như ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe ý kiến người dân, tập trung giải quyết các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đối với người dân trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Sau khi kết thúc Đại hội đồng AIPA 41, Ủy ban Đối ngoại phối hợp Tổng Thư ký AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA hoàn thiện các văn bản, nghị quyết của Đại hội đồng và gửi đến các Nghị viện thành viên AIPA và các Nghị viện quan sát viên AIPA trong tháng 9/2020. Sự tham gia về nội dung của Việt Nam, với cương vị Chủ trì, Báo cáo viên và thành viên đoàn ĐBQH tại Đại hội đồng thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam, chủ động, tích cực và trách nhiệm cũng như vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong AIPA và trong IPU, góp phần vào sự phát triển của ngoại giao nghị viện khu vực và trên thế giới. Việc Chủ tịch Quốc hội phân công các Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự và phát biểu chào mừng tại các phiên họp Ủy ban của Đại hội đồng AIPA 41 thể hiện sự coi trọng đối với sự kiện Quốc hội nước ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đồng lần này. Việc cử các Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chào mừng là chưa có tiền lệ tại các Đại hội đồng trước đó. Các cơ quan Quốc hội đã phối hợp cơ quan Chính phủ tham mưu, chuẩn bị chặt chẽ về nội dung và phối hợp làm tốt công tác tổ chức về mọi mặt, lễ tân, kỹ thuật, an ninh, an toàn thông tin, an toàn mạng được đảm bảo tốt, công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, phong phú, phản ánh một cách tích cực và toàn diện, góp phần thành công Đại hội đồng AIPA 41.

Ngoài ra, trong Năm Chủ tịch AIPA, Quốc hội nước ta cũng cử đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến Nhóm tư vấn AIPA lần thứ 11 (AIPA Caucus 11) trong khuôn khổ hoạt động năm AIPA nhưng được tổ chức ngoài nước chủ nhà và các hội thảo do Ban Thư ký AIPA phối hợp với các Đối tác của AIPA tổ chức về các chủ đề như buôn bán động vật hoang dã, phòng chống các đại dịch trong tương lai và quản lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, việc tổ chức các hội nghị bằng hình thức trực tuyến là chưa có tiền lệ và thay đổi nhiều quy trình so với họp tập trung truyền thống nên phát sinh nhiều khó khăn, nhất là đảm bảo kỹ thuật đường truyền, đảm bảo thường xuyên khoảng 70 điểm cầu nghị viện các nước và khách mời quốc tế tham gia thông suốt (một số nước thực hiện giãn cách nên có rất nhiều điểm cầu); việc thống nhất các dự thảo văn kiện, nghị quyết phải tiến hành nhiều vòng, mất nhiều thời gian, việc thuyết phục các vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Nghị viện, Quốc hội Việt Nam phải phối hợp với Bộ Ngoại giao gặp gỡ, làm việc trực tiếp Đại sứ các nước Bạn tại Hà Nội, Đại sứ nước ta tại các nước Bạn đến gặp trực tiếp các nhà Lãnh đạo Quốc hội Bạn; những sáng kiến của Quốc hội Việt Nam như Hội nghị Nghị sỹ trẻ, Hội nghị đối tác nghị viện AIPA về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững, đề xuất trao Giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA, kết nạp Nghị viện quan sát viên mới, những sáng kiến cách tổ chức hội nghị cũng phải chuẩn bị những kịch bản rất kỳ công.

Năm Chủ tịch AIPA 2020 kết thúc và thành công rất tốt đẹp, thành công đó xuất phát từ quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Tổ chức AIPA 41 và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp. Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA 41 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự chủ động thích ứng với bối cảnh đại dịch COVID-19 và năng lực tổ chức của Quốc hội Việt Nam, góp phần hoàn thành trọng trách Chủ tịch AIPA năm 2020, thể hiện uy tín và vị thế của Quốc hội Việt Nam trong các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế.

Đại hội đồng AIPA 41 là sự kiện họp theo hình thức trực tuyến đầu tiên trong lịch sử AIPA. Các Nghị viện thành viên AIPA, Nghị viện quan sát viên và Khách mời nhiệt liệt đánh giá cao năng lực tổ chức, điều hành, sự nỗ lực và trách nhiệm của chủ nhà Việt Nam. Cùng với đó là việc trao Giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA cho Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đồng chí đã có 15 năm cống hiến và tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương, trong đó có AIPA; sáng kiến Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA tổ chức thường niên trong khuôn khổ các Đại hội đồng AIPA là dấu ấn lịch sử; sự mở rộng Nghị viện quan sát viên AIPA và kết nối với IPU, Liên Hợp Quốc đã để lại một dấu ấn đặc biệt, thể hiện tầm vóc Đại hội đồng AIPA 41 vượt khỏi khuôn khổ khu vực.

Đảm nhiệm Năm Chủ tịch AIPA 2020 và tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 là điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế./.

Bích Lan-Bùi Hùng