KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH 05 NĂM

18/10/2020

Tại phiên họp thứ 49, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về đánh giá thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phiên họp thứ 49 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

 Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá, dự kiến của Chính phủ và cho rằng các báo cáo 05 năm được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, sâu sắc và đã bám sát vào các Nghị quyết của Quốc hội để đánh giá các thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng như nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đây là lần đầu thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn nên không thể tránh khỏi những vướng mắc, tồn tại.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số vấn đề như: Việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số dự án khác vấn chậm, cần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; Công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tôn tại, giải quyết các điểm nghẽn trong thu-chi ngân sách, đầu tư công vẫn chưa quyết liệt, có những mặt còn chậm, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tếxã hội.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, quản lý tài sản công, tài chính công tuy có những tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm, tình trạng thất thoát, lãng phí vận diễn ra ở các mức độ khác nhau, thực hành tiết kiệm chưa thật tốt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các dự kiến lớn về chỉ tiêu tài chính, ngân sách 05 năm giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục trong giai đoạn tới về 08 hạn chế cơ bản nêu trong báo cáo đánh giá thực hiện Kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 20162020; tiếp tục đánh giá, phân tích sâu hơn về quy mô thu ngân sách, tỷ lệ huy động, cơ cấu chi, bội chi và giải pháp chủ động giảm bội chi, trần nợ công, khả năng vay và trả nợ (cần lưu ý trần nợ công, nợ Chính phủ theo tỷ lệ trên quy mô GDP điều chỉnh như Chính phủ trình là cao, vượt quá giới hạn so với số thu ngân sách cần được rà soát lại để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia). Thống nhất tổng mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí, chiếm khoảng 27-28% và chi thường xuyên chiếm khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.

Việc bố trí vốn đầu tư công cân tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên của Luật Đầu tư công; bảo đảm bố trí đủ vốn cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (đã được Quốc hội quyết định) và dự kiến Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững (sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định); bố trí đủ vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, bảo đảm nối toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam và kết nối với một số tỉnh phía Nam, phía Bắc; lưu ý bố trí vốn cho một số dự án quan trọng như vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu, trụ sở cơ quan tư pháp, công tác cải cách tư pháp. Thực hiện tốt việc phân cấp, giao quyền cho các địa phương quyết định các dự án đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo; Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra chính thức để báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 làm căn cứ để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định các kế hoạch 05 năm cho giai đoạn 2021-2025.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội