THẨM TRA THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, NGÂN SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

16/10/2020

Ngày 15/10, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 13 với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày, trong năm 2020, trong bối cảnh và tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tổ chức bộ máy được sắp xếp từ Trung ương đến địa phương; hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp được đổi mới; triển khai nhiều đề án quan trắc môi trường… Qua triển khai các hoạt động này, nhìn chung các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động an toàn, vận hành ổn định. Báo cáo cũng nêu rõ, chất lượng môi trường không khí năm 2019, 2020 tại một số đô thị lớn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, cảnh báo kịp thời thông qua hệ thống các trạm quan trắc tự động, ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân trình bày báo cáo

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tuy ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng cân đối chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong năm 2020 và trong giai đoạn 2016 – 2020 luôn được bố trí ưu tiên hơn so với các lĩnh vực chi khác, bảo đảm đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối; bảo đảm bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do trong thực hiện quy trình phân bổ dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường có một số yếu tố ảnh hưởng nên hiện còn 269,1 tỷ đồng chưa được phân bổ. Bộ Tài chính dự kiến, số kinh phí này sẽ được hủy trong dự toán phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trong năm 2020.

Các thành viên Ủy ban ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong thời gian qua, qua đó đã làm cho mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lưu ý, một số vấn đề ô nhiễm môi trường chậm được giải quyết, một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường còn lúng túng như: ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu công nghiệp; thu gom, xử lý nước thải tập trung; quản lý chất thải rắn sinh hoạt; ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn diễn biến phức tạp.

Các đại biểu cho ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách về bảo vệ môi trường

Về phân bổ, sử dụng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường cho bộ, ngành Trung ương, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn tình trạng dàn trải, chưa tập trung. Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính rà soát, kiên quyết cắt giảm, tập trung kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho những nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp bách do Chính phủ, Thủ tướng giao. Đối với 11 địa phương  bố trí kinh phí sự nghiệpbảo vệ môi trường thấp hơn số giao của Bộ Tài chính, tình trạng này giảm nhẹ hơn so với năm 2019 (13 địa phương) nhưng chưa thực sự được giải quyết; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, có giải pháp xử lý để các địa phương chấp hành tốt quy định.

Tại Phiên họp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)