Kết quả cho thấy 87,37% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ: Ngày 18/6/2020 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 567/BC-UBTVQH14 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội gửi đến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Về đại biểu Quốc hội: Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH là chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định tại Điều 4 của Luật Quốc tịch, “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, bản thân cụm từ “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đã có nội hàm là chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai. Hiện tại, ngoài Luật Quốc tịch, trong hệ thống pháp luật còn có ít nhất 02 luật khác đã sử dụng cụm từ “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” để xác định yêu cầu chỉ có một quốc tịch của công dân Việt Nam, đó là Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, nếu Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung từ “chỉ” trước cụm từ “có một quốc tịch” thì sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất, gây ra cách hiểu khác đối với quy định của các luật có liên quan.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với ĐBQH, đồng thời, không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với ĐBQH. Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, ĐBQH là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Theo quy định tại Điều 27 của Hiến pháp thì công dân từ đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội. Điều này có nghĩa là, Hiến pháp chỉ quy định điều kiện về độ tuổi tối thiểu của người ứng cử vào đại biểu Quốc hội mà không có sự phân biệt đối xử hay hạn chế về thành phần xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn… Do vậy, ngoài các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn thì sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Theo quy trình bầu cử hiện nay, bên cạnh những người tự ứng cử thì phần lớn người tham gia ứng cử là đại diện do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương lựa chọn, giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội. Đối với mỗi loại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì hiện đã có những quy định riêng của Đảng, quy định của từng cơ quan, tổ chức trong việc xác định tiêu chuẩn, điều kiện khi xem xét, lựa chọn nhân sự. Để nâng cao chất lượng của ĐBQH nói chung thì từng cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc sàng lọc, lựa chọn, giới thiệu đại diện tiêu biểu, ưu tú nhất của mình tham gia ứng cử ĐBQH để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm ĐBQH. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật.
Đa số ý kiến tán thành việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40% tổng số ĐBQH; ý kiến khác đề nghị nâng tỷ lệ này lên trên 50%. Để bảo đảm đạt được tỷ lệ này trên thực tế, có ý kiến đề nghị cần có giải pháp, quy định chặt chẽ hơn trong Đề án bầu cử và các văn bản hướng dẫn; đề nghị một số tỉnh, thành phố được bố trí thêm 01 ĐBQH hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu, đặc thù về địa giới hành chính, quy mô dân số. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Về Đoàn đại biểu Quốc hội (Điều 43): Về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị xác định Đoàn ĐBQH là một cơ quan của Quốc hội, là đại diện của Quốc hội ở địa phương, là chủ thể có địa vị pháp lý đầy đủ trong hệ thống chính trị ở địa phương. Tuy nhiên, ý kiến khác đề nghị không nên đặt vấn đề nâng địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH vì Đoàn ĐBQH không phải là cơ cấu của Quốc hội mà là một hình thức sinh hoạt của các ĐBQH được bầu ở một địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, từ khi được ghi nhận trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 đến nay, Đoàn ĐBQH đã phát huy vai trò tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ĐBQH thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền và cử tri địa phương đến với Quốc hội. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; ở địa phương có HĐND là cơ quan đại diện của Nhân dân địa phương, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì vậy, nếu xác định Đoàn ĐBQH là cơ quan của Quốc hội ở địa phương thì sẽ không phù hợp. Mặc dù Đoàn ĐBQH có một số nhiệm vụ nhất định trong việc tổ chức để ĐBQH trong đoàn tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến về các dự án luật và công tác giám sát theo chương trình, kế hoạch chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn phải bảo đảm không trùng lắp hay làm thay nhiệm vụ của cơ quan dân cử khác. Tinh thần này cũng phù hợp với Nghị quyết số 18/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH như Luật hiện hành.
Về bộ máy giúp việc Đoàn ĐBQH: Nhiều ý kiến đề nghị cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 để quyết định mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH phù hợp, hiệu quả, ổn định lâu dài. Một số ý kiến đề nghị kết thúc thí điểm và giữ mô hình 03 Văn phòng giúp việc như hiện hành; các ý kiến khác đề nghị chỉ hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo Báo cáo số 232/BC-CP ngày 18/5/2020 của Chính phủ thì kết quả tổng kết sau hơn 01 năm thực hiện thí điểm cho thấy việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho 03 cơ quan theo mô hình thí điểm quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh, chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, xin phép Quốc hội cho kết thúc việc thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh. Đối với các địa phương đang thực hiện thí điểm sẽ chuyển ngay sang mô hình nêu trên; ở các địa phương còn lại thì sẽ hoàn thành việc chuyển giao và thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Do đó, khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi như trong dự thảo Luật. Đồng thời, bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 2 Điều 2 của Luật này để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (Chương IV): Nhiều ý kiến tán thành việc đổi tên hai Ủy ban như dự thảo Luật, nhưng vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc chưa nên đổi tên 02 Ủy ban này hoặc đề nghị đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Y tế và An sinh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: phạm vi các lĩnh vực phụ trách của từng Ủy ban đã được nêu cụ thể tại quy định của Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan. Như đã giải trình trước đây, tên gọi của các cơ quan cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện khái quát được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan để phân biệt với các cơ quan khác. Việc đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội cũng được các cơ quan của Quốc hội và đa số các vị ĐBQH ủng hộ nên đề nghị cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật để bắt đầu thực hiện từ Quốc hội khóa XV.
Về phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ủy ban: Có ý kiến đề nghị chuyển lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng từ Ủy ban Kinh tế sang Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Ý kiến khác đề nghị giữ nguyên lĩnh vực hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách như hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tế hoạt động các nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã có nhiều cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các lĩnh vực được giao. Mặc dù còn ý kiến khác nhau đối với việc xác định lĩnh vực phụ trách của 02 Ủy ban này (cụ thể là lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng) song do chưa có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ nênđề nghị Quốc hội trước mắt cho giữ các lĩnh vực phụ trách của 02 Ủy ban như quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính ổn định.
Về việc chuyển Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội: Về vấn đề này, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu phát biểu đề nghị chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc nghiên cứu chuyển một số Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội được nêu trong Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận, cân nhắc kỹ khi sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Tuy nhiên, do ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội khóa XIII đã quyết định chưa chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội. Từ đó đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6. Do đó, tuy Quốc hội có thẩm quyền quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội nhưng để quyết định thành lập các Ban thuộc Quốc hội thì vấn đề quan trọng là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các cơ quan này để không chồng chéo với các cơ quan hiện có. Các phương án về việc thành lập hay chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý. Vì vậy, trong khi chưa xác định được phương án thực sự hợp lý, có tính thuyết phục và đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định về địa vị pháp lý của các Ban như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Để nâng cao hiệu quả của công tác đại biểu dân cử, công tác dân nguyện, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp cụ thể để cải tiến về quy trình, cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này, quy định về chế độ, chính sách hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật: Có ý kiến đề nghị Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH khóa XV. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến này là hợp lý và xin được tiếp thu, chỉnh lý lại quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật. Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, rà soát về ngôn ngữ đối với các quy định trong dự thảo Luật. Với Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua./.