THẢO LUẬN TỔ 07 VỀ DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

09/06/2020

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều 09/6,Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị đã thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú, quản lý dân cư song vẫn còn băn khoăn về tính khả thi.

 

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Phạm Huyền Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc Quốc hội sớm xem xét ban hành Luật này sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, đăng ký cư trú và giải quyết thủ tục hành chính tham gia giao dịch.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc cũng tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo Luật và cho rằng điều này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú. Cùng với đó là việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân là cách làm khoa học góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân. Tuy nhiên trong bối cảnh điều kiện đất nước còn hạn chế nên việc cấp số định danh cá nhân cho công dân thông qua cấp căn cước công dân, đăng kí khai sinh mới chỉ được thực hiện vài năm gần đây và chỉ một số địa phương đảm bảo được kinh phí thực hiện. Đại biểu cho rằng thời gian tới việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân cần được thực hiện ngay; cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại biểu cũng lưu ý việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư  là điều kiện quan trọng để thực hiện quản lý cư trú theo phương thức mới. Đại biểu đề nghị Bộ Công an cần có báo cáo làm rõ việc xây dựng cơ sở dữ liệu này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Đại biểu Phạm Huyền Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Bùi Văn Xuyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình chia sẻ trong quá trình thẩm tra dự án Luật này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật nếu được Quốc hội thông qua. Bởi phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Trong khi hiện nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Dự kiến khi Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực vào ngày 1/7/2021 thì sẽ phải hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam, tức trong vòng một năm phải cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại. Đây là thách thức trong tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ đề ra.

Ủng hộ chủ trương thay đổi phương thức quản lý cư trú, quản lý dân cư, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng cần có cần có lộ trình áp dụng việc thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để tránh phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bởi qua rà soát hiện có đến 27 thủ tục hành chính gằn với Sổ Hộ khẩu, do đó việc thay đổi phương thức quản lý cần được áp dụng đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Ngoài ra các đại biểu đề nghị cân nhắc xem xét quy định thêm về giải quyết đăng kí thường trú đối với các trường hợp công dân có chỗ ở nhưng thuộc diện phải thu hồi, bố trí tái định cư theo dự án, quy hoạch của cấp có thẩm quyền; bổ sung quy định thực hiện đăng ký tạm trú qua mạng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị lưu ý đến việc rà soát quy định về giải thích từ ngữ để tạo sự thống nhất trong nhận thức. Tuy nhiên một số nội dung giải thích chưa cụ thể, rõ ràng, còn tạo ra sự mâu thuẫn trong chính các điều luật. Dẫn chứng khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật quy định: “Chủ hộ là người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì chủ hộ là người trong hộ gia đình được các thành viên hộ gia đình thống nhất cử”. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, trong thực tế triển khai thì việc xác định thế nào là “thống nhất đề cử”, thế nào là “thống nhất cử” là rất khó. Hay quy định về cơ quan quản lý cư trú, cơ quan đăng ký cư trú, cơ quan vừa quản lý vừa thực hiện đăng ký cư trú dự thảo Luật cũng không xác định rõ…Do đó đại biểu biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự rà soát để quy định rõ ràng./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh