THẢO LUẬN Ở TỔ 5: CẦN ĐÁNH GIÁ LẠI VIỆC CẤP MÃ SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN TRONG 4 NĂM QUA

09/06/2020

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 09/6, Tổ 5 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và Đoàn đại biểu các tỉnh Sơn La, Tây Ninh, Ninh Bình đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Ủy ban Pháp luật (UBPL) đã có Báo cáo thẩm tra số 3203/BC-UBPL14 ngày 21/5/2020 về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) theo Tờ trình số 229/TTr-CP ngày 16/5/2020 của Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. UBPL tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân; đồng thời, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú.


Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Về cơ bản, UBPL tán thành phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát các luật, văn bản dưới luật có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, điều kiện đăng ký cư trú để kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

UBPL nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBPL đề nghị làm rõ một số vấn đề: 

Thứ nhất, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, do Bộ Công an thống nhất quản lý và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác (Điều 12). Sau hơn 04 năm triển khai thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Thứ hai, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ trung ương đến cơ sở; đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác cũng như với các cơ quan, tổ chức  được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Theo Báo cáo của Bộ Công an, dự kiến tháng 6/2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu có liên quan mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng; đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, UBPL đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Thứ ba, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân, vì việc chứng minh quan hệ hộ gia đình và nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Thứ tư, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Do đó, UBPL đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.


 Đại  biểu Ngô Thị Kim Yến - Đoàn Đại biểu TP Đà Nẵng phát biểu ý kiến.

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đại  biểu Ngô Thị Kim Yến- Đoàn Đại biểu thành phố Đà Nẵng nhất trí với việc phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một xu thế tất yếu để ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính của công dân. Tuy nhiên, để triển khai phương thức này, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho rằng, còn nhiều vướng mắc cần làm rõ. Đó là thời gian để Việt Nam hoàn thành việc cấp số mã định danh cho công dân.

Sau 4 năm thực hiện Luật Căn cước công dân, đến nay, chúng ta mới thực hiện được hơn 18 triệu mã số định danh cá nhân. Dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam thì rất khó thể hoàn thành. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ ở cấp công an phường, xã hiện nay có đảm bảo thực hiện được việc cấp mã số định danh hay không cũng là vấn đề cần lưu ý.

Ngoài ra, việc bỏ sổ hộ khẩu có liên quan đến hộ gia đình. Cho đến nay, hộ gia đình vẫn là chủ thể độc lập và tham gia vào các hoạt động liên quan đến Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình... Nếu bỏ sổ hộ khẩu thì liệu người dân có phải đến cơ quan công an để xin bản khai nhân khẩu nữa hay không?

Đối với việc xóa đăng ký thường trú tại điểm D, khoản 1 Điều 25 trong trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài cần phải cân nhắc thận trọng. Bởi vì khi xóa có thể phát sinh các mối quan hệ giữa chính quyền và công dân cũng như gắn với nhiều quyền và nghĩa vụ của công dân...

Đề cập về việc cấp mã số định danh cá nhân, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nêu quan điểm là cần phải có sự đánh giá, tổng kết đối với việc cấp này. Sau 4 năm thực hiện Luật Căn cước công dân, đến nay, chúng ta mới thực hiện được hơn 18 triệu mã số định danh cá nhân. Dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam mà không có sự chuẩn bị tập trung thì khó thực hiện được.

Theo đại biểu Quàng Văn Hương, Bộ Công an nên tập trung xác lập số định danh cá nhân theo lộ trình ở từng địa bàn để sớm hoàn thiện và dễ dàng quản lý công dân hơn. Đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa thì việc xác định mã số định danh như thế nào để chuẩn xác từ phía thông tin, số liệu do chính công dân cũng như chính quyền địa phương cung cấp.

Về trường hợp xóa đăng ký thường trú (Điều 25), đại biểu Quàng Văn Hương tán thành với quy định của dự án Luật về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi thực hiện việc này thì cần rà soát các quyền lợi có liên quan của công dân, tránh phát sinh trường hợp khiếu nại, tranh chấp.

Về thay đổi thông tin của công dân (Điều 27) cũng cần lưu ý đến việc địa phương thay đổi địa giới hành chính. Chính quyền địa phương cần có sự tuyên truyền cho người dân về cách thức thay đổi thông tin về tên xã, thôn.


Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nêu quan điểm.

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Trịnh Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Tây Ninh nêu ý kiến đối với khoản 1 Điều 2 của dự án Luật quy định về chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Với quy định này nếu công dân đăng ký thường trú nhưng không đăng ký tạm trú có được không hay phải đăng ký cả tạm trú và thường trú?

Đối với khoản 3 của Điều 24 đề cập địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú có nội dung nói về vấn đề tranh chấp. Liệu khi chủ nhà đang có tranh chấp về nhà cửa thì công dân có được đăng ký tạm trú, thường trú ở địa điểm này không?

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 cũng quan tâm cho ý kiến về những nội dung như quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh