QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

09/06/2020

Chiều ngày 09/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

 

Trước đó, tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Do còn nhiều đại biểu Quốc hội đăng kí phát biểu nên Đoàn Chủ tịch đã đề nghị Quốc họi bổ sung thời gian thảo luận về dự án luật này trong đợt 2 của Kỳ họp.

Nâng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách

Thảo luận tại phiên họp toàn thể hội trường, đa số  đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành nhằm kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Đảng và trong phạm vi khuôn khổ quy định của Hiến pháp để có thể thực hiện được ngay, bảo đảm tính ổn định của Luật và của công tác cán bộ, tổ chức bộ máy nhà nước. Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc sửa đổi lần này sẽ là nền tảng thể chế quan trọng, tạo điều kiện cho Quốc hội các nhiệm kỳ sau tiếp tục phát huy mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường tán thành với tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, việc quy định trong dự thảo Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó, dự thảo Luật chỉnh lý Khoản 2, Điều 23 theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu đề xuất và thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo đảm bầu và bố trí đủ số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như quy định của Luật.

Theo đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng đây là nội dung đổi mới cần thiết để các đại biểu Quốc hội có đủ điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện nhiệm vụ. Nhìn lại hoạt động của Quốc hội, đại biểu Lê Xuân Thân nhấn mạnh, các hoạt động của đại biểu chuyên trách vô cùng quan trọng, là trụ cột cho các hoạt động của Quốc hội; đề nghị, cần triển khai ngay quy định này trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách cho các địa phương với ít nhất 2 đại biểu, trong đó 1 đại biểu lãnh đạo đoàn và 1 đại biểu chuyên trách. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Vân, việc tăng như vậy sẽ bảo đảm tính kế thừa tính liên tục, đặc biệt là đáp ứng cho yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ. Đại biểu nhấn mạnh nhiều địa phương vừa rồi chỉ có 1 đại biểu chuyên trách nên rất khó trong hoạt động, đặc biệt là ở lĩnh vực giám sát.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐQBH tỉnh Ninh Thuận lưu ý chủ trương tăng đại biểu chuyên trách là đúng nhưng tăng đại biểu chuyên trách thì cũng phải tăng chất lượng hoạt động của đại biểu, nếu không đồng bộ hai yếu tố này  đồng nhất hai yếu tố này sẽ rất lãng phí từ đầu tư cho hoạt động của đại biểu.

Quan tâm đến tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

Phát biểu về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng đã là cán bộ ngoài tiêu chuẩn chung còn cần tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn người đủ điều kiện. Với vai trò của Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội cũng cần có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực về kinh tế, chính trị , xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Nhấn mạnh đây là điều quan trọng đề lựa chọn, bầu ra đại biểu Quốc hội, theo đại biểu Bùi Văn Phương, ngoài các tiêu chuẩn chung thì cụ thể tiêu chuẩn đối với đại biểu phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích tổng hợp, tư duy phản biện, có kĩ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, làm rõ quan điểm xây dựng đại biểu Quốc hội là một chính sách quốc gia để đảm bảo cho vị thế, vai trò của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của nhà nước.

Phát biểu tranh luận vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng xuất phát từ quy định của Hiến pháp về bản chất của nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc và Nhân dân. Với bản chất đó, Hiến pháp đã quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Như vậy, Quốc hội phải có đại biểu đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức. Không những vậy còn có đại diện cho các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng việc tăng cường năng lực cho đại biểu Quốc hội là tất yếu tuy nhiên, tại Luật Tổ chức Quốc hội đã có những quy định chung về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có đặc thù là có cả đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm, các đại biểu giữ các chức vụ lãnh đạo khác nhau thì từng vị trí đã có quy định tiêu chuẩn riêng ở trong các văn bản của Đảng cũng như là của Nhà nước. Vì vậy, đại biểu Ngô Trung Thành cho rằng không cần thiết bổ sung thêm tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội.

Bảo đảm tính độc lập của các Văn phòng tham mưu giúp việc

Cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ là nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân với lý do đây là các cơ quan giúp việc của các cơ quan dân cử, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng hai văn phòng này với hai nhiệm vụ khá tách bạch ở mức độ tham mưu. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ngoài các nhiệm vụ chung còn có nhiệm vụ tham mưu để hỗ trợ đại biểu trình các dự án luật đòi hỏi mức độ tham mưu, giúp việc ở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở tầm vĩ mô cao hơn. Trong khi đó theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương là Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đại biểu cho rằng việc nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào văn phòng giúp việc của chính quyền địa phương như vậy là khập khiễng và mất đi động lực trong việc hỗ trợ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu nhấn mạnh với việc xác định địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội giữ theo quy định của luật hiện hành thì Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn có trụ sở làm việc và vẫn có Văn phòng giúp việc của Đoàn. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu giữ hoạt động của 3 văn phòng này theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nêu rõ, Nghị quyết của Trung ương yêu cầu nghiên cứu hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cùng với đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất thận trọng khi thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng để có cơ sở thực tiễn. Qua thực tiễn thí điểm cho thấy việc hợp nhất 3 Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không hiệu quả. Tuy nhiên về mặt nghiên khoa học lý luật thì chưa có cơ quan chủ trì thực hiện.

Yêu cầu rất lớn của Hiến pháp 2013 là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính vì yêu cầu đó mà bộ phận tham mưu giúp việc cũng cần có tính độc lập tương đối để giúp cho cơ quan thực hiện quyền giám sát. Từ phân tích trên, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng không đủ cơ sở về mặt khoa học, lý luận và thực tiễn để nhập 3 Văn phòng thì nên giữa nguyên như quy định hiện hành.

Tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để bảo đảm chất lượng của Luật

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận các vị đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội về cơ bản đồng ý với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các vị đại biểu Quốc hội đồng ý với việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách từ  ít nhất 35% lên 40%.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ hơn tiêu chuẩn của các vị đại biểu Quốc hội tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội so với hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm rõ đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho các giai tầng, các cơ quan trong hệ thống tổ chức, trong hệ thống chính trị cho nên không thể đưa hết tiêu chuẩn riêng của từng khối, từng giai tầng vào trong điều luật. Quy định của Luật là quy định chung và trong quá trihf áp dụng có các văn bản quy định của Đảng, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội có tiêu chuẩn riêng đối với từng khối, từng cơ quan để lựa chọn ra những người tiêu biểu, ưu tú nhất để vào làm đại biểu Quốc hội.

Về Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức để các đại biểu Quốc hội được bầu cử ở một đơn vị tỉnh, thành phố hoặc chuyển đến đơn vị tỉnh, thành phố đó có một mối quan hệ phối hợp, giữ mối quan hệ với các cơ quan Quốc hội với và với các địa phương; đồng thời tổ chức cho các đại biểu Quốc hội hoạt động thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ do luật định như giám sát, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến của Nhân dân, v.v.. Do đây không phải là vấn đề mới nên giữ như luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận

Về Văn phòng tham mưu giúp việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết qua thí điểm hợp nhất, các địa phương đều báo cáo trong điều kiện hiện nay thì việc hợp nhất 2 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân là hợp lý, còn Văn phòng Ủy ban nhân dân để riêng bởi vì chức năng tham mưu phục vụ của các khối cơ quan này là khác nhau; đồng thời bảo đảm tính khách quan, không có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giao cho Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện hơn để có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Ngoài ra một số nội dung như việc sửa đổi tên một số Ủy ban của Quốc hội, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của  Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề xuất chuyển 2 ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội…Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ hướng đến mục tiêu sửa luật lần này góp phần nâng cao hơn nữa nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh