Ngày 01/12/1997, mạng internet Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu và bắt đầu cung cấp dịch vụ internet chính thức tại Việt Nam. Mặc dù sự xuất hiện của internet ở Việt Nam chậm hơn so với khởi đầu của thế giới khoảng chừng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực khoảng 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24.
Các văn bản pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay tại Việt Nam
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam gồm có:
Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em (Điều 33); Nhà nước bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức qua các kênh thông tin, truyền thông phù hợp. Nhà nước khuyến khích phát triển thông tin, truyền thông phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ em; sản xuất, đăng tải nội dung, thông tin với thời lượng thích hợp cho trẻ em dân tộc thiểu số (Điều 46); Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật (Điều 54)
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng nêu rõ: Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác (Khoản 3 Điều 4)
Toàn cảnh hội thảo
Luật An ninh mạng năm 2018 quy định trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng; Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em; cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em; lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em (Điều 29)
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (Điều 33); Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 34); Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng (Điều 35); Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng (Điều 36); Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (Điều 37)
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Thông tư số 09/2017/TT- BTTTT ngày 23/6/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Đặc biệt, ngày 18/9/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1330/QĐ-LĐTBXH phê duyệt Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12 năm 2019, Việt Nam đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 và Diễn đàn trẻ em các cấp đã được tổ chức trong đó có chủ đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, hiện Cục Trẻ em đang phối hợp với Cục An toàn thông tin xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu, chưa đồng bộ
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng với những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, trong khi đó việc xây dựng, cải thiện môi trường mạng an toàn đối với trẻ em chưa được đầu tư thích đáng.
Đại biểu phát biểu hội thảo
Các đại biểu cho rằng, các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ. Cụ thể, nước ta chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến, thông qua các đường dây nóng nhằm báo cáo các tài liệu trực tuyến bị nghi ngờ là bất hợp pháp, bao gồm cả các tài liệu xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.
Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên môi trường mạng, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cùng với đó, cần phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;
Bên cạnh đó, xây dựng quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược/ đề án về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời, tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của trẻ em (bắt buộc sử dụng các cài đặt riêng tư mặc định và công nghệ xác thực độ tuổi trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ các dữ liệu cá nhân thu thập từ trẻ em; thiết lập một cơ chế dễ tiếp cận để yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu cá nhân mà một người cung cấp khi còn là trẻ em; cho phép các cơ quan có thẩm quyền có quyền được ra lệnh gỡ bỏ những hình ảnh nhạy cảm của trẻ em được đăng tải mà chưa có sự đồng thuận)./.