ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI HỌC VIỆN BIÊN PHÒNG

24/02/2020

Để phục vụ nhiệm vụ thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây, chiều 24/02, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, làm Trưởng đoàn làm việc với Học viện Biên phòng.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn làm việc với Học viện Biên phòng về dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Theo Học viện Biên phòng, kể từ khi Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng có hiệu lực thi hành vào năm 1998 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, Pháp lệnh là văn bản dưới luật nên không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định về quyền con người, quyền công dân. Nghị quyết 33 năm 2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia” đã xác định sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Vì vậy việc nghiên cứu nâng cấp Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng thành Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho Bộ đội Biên phòng, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, luật này cần xây dựng để khẳng định được tầm quan trọng của chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia, nâng lên địa vị pháp lý của Bộ đội Biên phòng, đồng thời giải quyết được nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tránh xung đột với các luật khác. Tuy nhiên, về tên gọi của Luật cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo, cần làm rõ cơ sở pháp lý, nội hàm là Luật Biên phòng Việt Nam hay Luật Bộ đội Biên phòng.

 Thành viên đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Đối với vấn đề này, 1 số ý kiến đại diện Học viện Biên phòng cho rằng, về cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là cần thiết nhằm tạo đủ hành lang pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ biên phòng mà Bộ đội biện phòng chỉ là 1 lực lượng.

Các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị là rõ thêm 1 số vấn đề như: Nhiệm vụ biên phòng, xác định vị trí, chức năng của lực lượng nòng cốt, chuyên trách là Bộ đội Biên phòng; đồng thời chỉ ra những xung đột, chồng chéo về quy định, việc thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại khu vực biên giới.

Thay mặt Đoàn khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn với thực tiễn công tác, đào tạo và kiến thức lý luận khoa học, các giảng viên, cán bộ quản lý Học viện sẽ trao đổi thông tin với đoàn công tác, phân tích, làm rõ những ý kiến trái chiều... qua đây Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu, làm cơ sở cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Theo dự kiến, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV./.

Khắc Phục