CÂN NHẮC CÁC QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG VÀ NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY

24/02/2020

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật là việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy còn nhiều ý kiến khác nhau cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ...

Dự thảo Chính phủ trình lần này sửa đổi quy định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy theo hướng: Đối với biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật bổ sung đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định và bỏ điều kiện “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc không có nơi cư trú ổn định” đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với các biện pháp khác, dự thảo Luật bổ sung đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có nơi cư trú ổn định, người sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết quá trình áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thực tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, Quốc hội đã phải đưa vào nghị quyết về kinh tế xã hội. Đối tượng, điều kiện áp dụng quá chặt chẽ, trình tự  thủ tục phức tạp, hồ sơ đề nghị qua nhiều cơ quan khác nhau, giao cho gia đình và địa phương quản lý không hiệu quả. Dự thảo Luật cần chỉnh theo hướng làm rõ chủ thể, đơn giản hóa trình tự thủ tục, giao cho gia đình tổ chức quản lý đảm bảo khả thi. Tuy nhiên nội dung của dự thảo Luật lần này chưa thực sự thấu đáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng việc sửa đổi quy trình, thủ tục, ban hành hành chính sách mới, sửa đổi chính sách hiện hành phải có căn cứ, lấy ý kiến đối tượng tác động; đề nghị làm rõ và giải thích căn cứ sửa đổi các nội dung đối với việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Liên quan đến biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cũng đã có ý kiến tham gia thẩm tra.

Theo đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy mà không có nơi cư trú ổn định thì đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào trường giáo dưỡng. Trong báo cáo đánh giá tác động cũng chưa nêu rõ nội dung, mục đích, hiệu quả dự kiến của việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính mới này đối với người sử dụng ma túy trái phép.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở y tế và người đang điều trị các rối loại hành vi, tâm thần do sử dụng ma túy gây ra tại các cơ sở y tế.

Về biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho rằng dự kiến sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật chưa đáp ứng được các quan điểm đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo hướng tăng cường điều trị nghiện tự nguyện, giảm điều trị bắt buộc, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy lựa chọn các biện pháp và mô hình điều trị phù hợp. Dự kiến sửa đổi, bổ sung cũng chưa giải quyết được các vướng mắc, tồn tại trong thực hiện biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đó là vấn đề xác định tình trạng nghiện ma túy và xác định nơi cư trú của một người. Qua giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội cho thấy các địa phương đều có quyết định “riêng” về xác định tình trạng nghiện và nơi cư trú của người nghiện dẫn đến sự tùy tiện trong thực hiện các quy định pháp luật liên quan.

Dự kiến sửa đổi, bổ sung cũng chưa phù hợp với xu hướng của quốc tế và khu vực trong điều trị nghiện ma túy, đó là chiến lược can thiệp chỉ định với mục đích giáo dục hành vi đối với người sử dụng ma túy, can thiệp sớm để không dẫn đến nghiện là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại phiên họp thẩm tra dự án Luật

Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở y tế, người đang điều trị các rối loại hành vi, tâm thần do sử dụng ma túy gây ra tại các cơ sở y tế và người nghiện ma túy tự nguyện tham gia cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy hợp pháp (theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy).

Đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu xem xét việc quy định kéo dài thêm thời gian tạm giữ hoặc có điều khoản riêng quy định về lưu giữ hành chính đối với người nghiện ma túy để bảo đảm đủ thời gian xác định tình trạng nghiện và hoàn thiện hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện nay, dự thảo Luật quy định có thể kéo dài thời hạn tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy nhưng không quá 72 giờ. Theo một số nghiên cứu về điều trị nghiện dựa trên bằng chứng của một số nước như Pháp, Mỹ, Úc, hội chứng cai đối với người nghiện ma túy tổng hợp có thể xuất hiện sau 72 giờ. Vì vậy, thời hạn tạm giữ 72 giờ có thể chưa đủ thời gian để xác định tình trạng nghiện và hoàn thiện hồ sơ.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về việc lập hồ sơ đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định theo hướng nơi phát hiện người nghiện tiến hành xác minh và lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu xác minh được nơi cư trú của người nghiện thì thông báo cho chính quyền cấp xã nơi đó biết. Quy định như vậy sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong việc xác định nơi cư trú của người nghiện.

Đồng thời, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá để có quy định về thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho phù hợp theo hướng giảm thời hạn tối thiểu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, kết hợp với việc nghiên cứu bổ sung các quy định về các biện pháp quản lý, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng khi tiến hành sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính  tại phiên họp thứ 42

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghi cần rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với đối tượng là người nghiện ma túy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian vừa qua để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng bộ với quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện cũng đang được nghiên cứu sửa đổi.

Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV./.

Bảo Yến