CẦN XÁC ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

21/02/2020

Tại Tọa đàm “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đều cho rằng thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc do quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao giám định. Do đó cần xác định rõ trách nhiệm của người trưng cầu giám định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện giám định.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tọa đàm "Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức”

Về trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định, Dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã bổ sung quy định: trường hợp các nội dung giám định đan xen, không thể tách riêng từng nội dung để trưng cầu thì người trưng cầu giám định có thể xác định một cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định...; kết luận giám định được Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cùng ký, đóng dấu và chịu trách nhiệm về phần kết luận do người giám định thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện (khoản 4 Điều 25).

Thảo luận tại Kỳ họp, nhiều ý đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện; đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan và cơ chế phối hợp để tránh sự đùn đẩy trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì khó có căn cứ xác định cơ quan, tổ chức nào là chủ trì vì mỗi cơ quan, tổ chức đều phụ trách giám định một lĩnh vực chuyên môn nhất định.

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng trường hợp cùng một đối tượng giám định nhưng phải giám định nhiều nội dung khác nhau mà liên quan mật thiết với nhau thì bắt buộc phải có sự phối hợp của các cơ quan giám định.

Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc do quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao giám định, nên có tình trạng cơ quan này đợi cơ quan khác giám định xong mới tiến hành giám định, thậm chí còn đùn đẩy giữa các cơ quan, dẫn tới kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết vụ án. Để giải quyết vướng mắc này, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế quy định đã quy định: cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải xác định lĩnh vực chính để giao trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức chủ trì và cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định; cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm chủ trì thực hiện giám định làm đầu mối, tổ chức việc thực hiện giám định và cơ quan phối hợp có trách nhiệm cử người tham gia thực hiện giám định; trường hợp phát sinh vấn đề vướng mắc trong việc phối hợp trưng cầu, thực hiện giám định, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định và cơ quan, tổ chức liên quan để giải quyết. Về cơ bản Thông tư 01 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 4 Điều 25 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: kế thừa và luật hóa những quy định của Thông tư 01 đang được thực hiện ổn định, hiệu quả. Cụ thể như sau:

Điều 25. Trưng cầu giám định tư pháp … 4. Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.

Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định cơ quan, tổ chức chủ trì tổ chức việc giám định và cơ quan, tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, cơ quan, tổ chức được trưng cầu phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện giám định.

Cơ quan, tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này. Kết luận giám định phải có xác nhận chữ ký của cơ quan, tổ chức cử người giám định.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức được trưng cầu để giải quyết.

Cho ý kiến về nội dung này của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật và giao các cơ quan phối hợp rà soát kỹ, hoàn thiện Điều 25 theo hướng: xác định rõ trách nhiệm của người trưng cầu giám định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức được giao chủ trì và các cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện giám định. Ngoài ra, cần rà soát chỉnh lý các điều, khoản liên quan về trình tự thực hiện giám định nhằm bảo đảm tính khả thi và tháo gỡ vướng mắc hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại tọa đàm

Tại tọa đàm “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức” do Ủy ban Tư pháp tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện giám định tư pháp. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, nhiều vụ giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài. Việc kéo dài này có nhiều nguyên nhân. Có vụ việc giám định bị kéo dài là do cơ quan quan giám định chậm trong cử giám định viên. Có vụ việc do đùn đẩy trách nhiệm, công tác phối hợp chưa tốt nhất là trong trường hợp khó khăn, những nội dung không thể bóc tách nội dung giám định, thời hạn giám định không xác định rõ và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu lạm dụng giám định.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Điều 25 Luật Giám định tư pháp cũng như nhất trí với hướng sửa đổi của dự thảo Luật trong trường hợp nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan khác nhau thì ưu tiên hàng đầu cho việc tách nội dung và giao trách nhiệm giám định cho từng cơ quan. Từ đó dễ xác định trách nhiệm, bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng của việc thực hiện giám định. Chỉ trong những trường hợp hãn hữu với điều kiện như việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì mới tiến hành cùng giám định và giao cho một tổ chức chủ trì và các tổ chức khác phối hợp thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cần quy định rõ thêm các tiêu chí xác định trường hợp không tách được nội dung giám định, cụ thể hóa thế nào là “gây khó khăn cho việc thực hiện giám định”; đồng thời đề nghị bổ sung tiêu chí các nội dung giám định tuy thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau khi đó sẽ cùng thực hiện giám định hoặc nếu tách giám định riêng sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định.

Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, cơ quan chủ trì, cơ quan phội hợp trong thực hiện giám định để tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Do đó trong quyết định trưng cầu giám định cần xác định rõ nội dung giám định nào do cơ quan nào thực hiện, cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại tọa đàm

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, kết luận giám định có ý nghĩa hết sức quan trọng trong trong định tội nên các cơ quan thường có tâm lý né tránh đùn đẩy trong thực hiện giám định. Mặc dù kết luận giám định không phải chứng cứ duy nhất xác định tội danh nhưng thực tế cũng có những vụ án cơ quan điều tra xem kết luận giám định là căn cứ duy nhất nên nhiều cơ quan giám định cho rằng mình đang phải chứng minh tội phạm cho cơ quan điều tra nên cần xác định rõ tính pháp lý của kết luận giám định để tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh trong phối hợp tổ chức giám định cần xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan. Theo đó, cơ quan trưng cầu giám định phải trưng cầu đúng và cung cấp đủ tài liệu, còn cơ quan được trưng cầu phải cử người giám định, thực hiện trưng cầu, phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong trường hợp bộ ngành từ chối giám định.

Về đề xuất quy định cơ quan làm đầu mối, tổ chức việc thực hiện giám định là cơ quan trưng cầu giám định, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học bày tỏ lo ngại khi cơ quan trưng cầu giám định chủ trì phối hợp thực hiện giám định thì ảnh hưởng đến hoạt động giám định, vi phạm nguyên tắc độc lập của cơ quan giám định. Do đó cần xác định rõ trách nhiệm chủ trì trong tổ chức thực hiện với việc phối hợp giám định.

Phát biểu kết luận tọa đàm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết các ý kiến của các đại biểu sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

Bảo Yến