NĂM 2020: UỶ BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH VỚI CÔNG TÁC KHẢO SÁT, XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỀ QUÂN SỰ, QUỐC PHÒNG

02/01/2020

Năm 2019, Ủy ban QP&AN đã thẩm tra 2 dự án Luật liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng gồm Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Để làm rõ thêm một số mục tiêu chính trong năm 2020 của Uỷ ban, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm - Trung tướng Nguyễn Hải Hưng.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trả lời phỏng vấn

Phóng viên: Thưa Phó Chủ nhiệm, trong năm 2019, Quốc hội đã thông qua 2 luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực Quốc phòng. Đầu tiên, chúng tôi muốn nói đến Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), ông có thể phân tích rõ hơn những nội dung quan trọng cũng như ý nghĩa của đạo luật này?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Có thể nói Luật Dân quân tự vệ ban hành năm 2009, qua 10 năm triển khai thực hiện đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng dân quân tự vệ. Lực lượng dân quân tự vệ đã được xây dựng chất lượng và rộng khắp trên toàn quốc và cùng các lực lượng khác bảo đảm tốt việc thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tại các địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau 10 năm, căn cứ vào Hiến pháp 2013 cũng như các luật về quốc phòng, an ninh khác có liên quan, Chính phủ đã trình ra Quốc hội đề nghị sửa đổi dự án luật này. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ 1/7/2020. Những mới của luật này thể hiện ở 5 vấn đề.

Thứ nhất là luật đã rà soát lại toàn bộ những luật, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về lĩnh vực quốc phòng an ninh để bảo đảm tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ.

Thứ hai là quy định rất rõ việc tổ chức thành lập tự vệ trong các doanh nghiệp. Đây là vấn đề khó mà luật Dân quân tự vệ 2009 chưa giải quyết được thì luật lần này sẽ tháo gỡ những hạn chế và khó khăn trước mắt để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức, xây dựng lực lượng dân quân theo nhiệm vụ được giao.

Thứ ba là quy định cụ thể về nhiệm vụ, tiêu chuẩn đối với đồng chí là chỉ huy trưởng quân sự cấp xã. Đây là những đồng chí trước đây được tuyển chọn từ các nguồn khác nhau, tuy nhiên có những quy định cụ thể của luật này là các đồng chí là sỹ quan dự bị và cũng được điều chỉnh trong luật sỹ quan dự bị để các đồng chí thuộc đối tượng được xét thăng quân hàm đến cấp trung tá. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cũng quy định về việc đào tạo các đồng chí để bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, quy định hết sức rõ ràng chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ và bảo đảm hoạt động cho dân quân tự vệ được quy định cho các cấp từ trung ương đến địa phương.

Cuối cùng, quy định cụ thể, đầy đủ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng cũng như các Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp cũng như Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên về tổ chức hoạt động của dân quân tự vệ

Phóng viên: Còn đối với Luật Lực lượng dự bị động viên sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020, luật này có những điểm mới đáng chú ý, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Đối với Luật Lực lượng dự bị động viên, có 4 vấn đề mới hơn so với Pháp lệnh trước đây.

Thứ nhất là luật này đã quy định rõ ràng hơn nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, trong đó nguyên tắc quan trọng hàng đầu là việc quy định bảo đảm tuân thủ Hiến pháp. Hiến pháp 2013 đã quy định hết sức rõ về quyền con người, quyền công dân và luật quy định để bảo đảm khi chúng ta tổ chức xây dựng, huy động lực lượng DBĐV không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Thứ hai, luật này đã quy định quyền, nghĩa vụ của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện dự bị động viên. Đặc biệt, quy định hết sức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm của những người chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và có điểm mới là quy định về việc bồi thường thiệt hại, hư hỏng trong quá trình huy động phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia hoạt động dự bị động viên.

Thứ ba, quy định cụ thể về tuổi của lực lượng dự bị động viên và tuổi biên chế dự bị động viên vào các đơn vị chiến đấu, đơn vị bảo đảm chiến đấu; quy định tỷ lệ dự phòng trong đăng ký lực lượng dự bị động viên để bảo đảm chúng ta luôn luôn có đủ lực lượng theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thứ tư, quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, chính quyền địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong việc xây dựng, huy động và tiếp nhận dự bị động viên.

Phóng viên: Trong công tác xây dựng pháp luật, năm 2020, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ chủ trì, thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vậy Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có kế hoạch gì về việc tổ chức lấy ý kiến góp ý phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật này?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Căn cứ vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH đã được thông qua, dự án Luật Biên phòng sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9. Để thực hiện nhiệm vụ này và thực hiện một cách đầy đủ, cụ thể, chúng tôi cũng đã chủ động phối hợp với Ban soạn thảo chuẩn bị các nội dung cho việc thẩm tra của Ủy ban.

Trước khi thẩm tra, chúng tôi dự kiến xây dựng kế hoạch khảo sát 1 số địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Biên phòng VN căn cứ vào Pháp lệnh Biên phòng. Khi khảo sát xong, chúng tôi sẽ tham mưu cho thường trực Ủy ban tổ chức thẩm tra dự án luật này để trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, gửi các Đoàn ĐBQH và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9.

Phóng viên: Ngoài ra, công tác khảo sát, giám sát của quy định của pháp luật, các Luật đã được Quốc hội thông qua sẽ được thực hiện như thế nào trong năm 2020 thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Đây cũng là nhiệm vụ Ủy ban được giao. Đối với các luật về quốc phòng và an ninh mà Quốc hội đã thông qua, Ủy ban có chức năng thực hiện nhiệm vụ giám sát, khảo sát, rà soát các quy định của luật xem có phù hợp với thực tiễn hay không? Ở địa phương, các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện trên cơ sở của điều luật có tác động, ảnh hưởng như thế nào, có đạt hiệu quả cao hay không? Đây là cơ sở để chúng tôi kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm pháp luật được thực hiện một cách đầy đủ và tốt nhất. Năm 2020, căn cứ vào chương trình công tác và nhiệm vụ của Ủy ban, chúng tôi dự kiến sẽ khảo sát 1 số quy định của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Nghĩa vụ quân sự. Đây cũng là 2 luật hiện nay đã được thực hiện 1 cách tương đối tốt, tuy nhiên việc khảo sát để đánh giá tổng thể, đầy đủ, toàn diện thì cũng hết sức cần thiết.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn Trung tướng!

Khắc Phục