BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN: NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CƠ KHÍ PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP

30/12/2019

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV vừa qua, Tư lệnh ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã có giải pháp để thúc đẩy phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm rõ một số nội dung

Về phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua đã có những kết quả nhất định về lĩnh vực này. Theo đó, đối với máy gieo trồng và thu hoạch, đã sản xuất được các loại máy gieo trồng và thu hoạch, góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Về thiết bị chế biến: Trên 90% số máy xay xát lúa, đánh bóng gạo (công suất 4 - 48 tấn/giờ), máy sấy (công suất 30 - 200 tấn/mẻ) là do các doanh nghiệp trong nước chế tạo đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đã được xuất khẩu đi các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi. Ngoài ra còn có nhiều dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và hạt điều. Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt mức độ cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Cụ thể, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha). Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc (máy nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng gần 30% thị phần, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc). Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do các quy định của pháp luật và thói quen canh tác của người nông dân chưa thực sự khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tập trung, dẫn đến diện tích canh tác nông nghiệp nhỏ và phân tán, chưa tạo thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. Quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền khác biệt dẫn tới cần rất nhiều chủng loại máy móc nông nghiệp đa dạng khác nhau, nhưng sản lượng từng loại máy móc nhỏ, không đáp ứng được quy mô kinh tế để sản xuất công nghiệp. Chất lượng kim loại của chi tiết máy nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến độ bền và tuổi thọ chi tiết máy không cao. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống tiêu và thoát nước chưa phát triển tương ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, ứng dụng máy móc nông nghiệp. Quá trình bảo hành, bảo dưỡng, thay thế linh kiện phụ tùng máy nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm máy nông nghiệp Trung Quốc nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nhập lậu.

Trên cơ sở nhận thức được những khó khăn, vướng mắc. Bộ đã đưa ra các giải pháp khắc phục thời gian tới. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai nhằm hình thành cơ chế khuyến khích tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng cho các nhà máy chế biến và tạo thị trường cho việc áp dụng cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Tăng cường công tác phòng chống gian lận thương mại, quản lý chất lượng máy nông nghiệp nhập khẩu, hạn chế tình trạng máy chất lượng kém, máy nhập khẩu thâm nhập thị trường gây ảnh hưởng đến ngành máy nông nghiệp trong nước. Tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phân bổ các vùng nguyên liệu gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến nhằm phát triển mạnh cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng áp dụng đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, trên cơ sở chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cũng như chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định quy định Danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ đầu tư.

Trên cơ sở Danh mục này, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy mạnh mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ./.

Hồ Hương