CÂN NHẮC QUY ĐỊNH VỀ XẾP HẠNG THƯ VIỆN

12/07/2019

Thảo luận về vấn đề xếp hạng thư viện tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia góp ý cho dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thư viện do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức vừa qua tại Hà Nội, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng, các quy định thủ tục xếp hạng thư viện còn nhiêu khê và mang tính hình thức.

Toàn cảnh tọa đàm

Đối với nội dung xếp hạng thư viện và đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện, dự thảo Luật Thư viện dành hẳn một chương riêng (Chương V) gồm 5 điều (từ Điều 40- 44) quy định về xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện dựa trên các tiêu chí về quy mô, cơ sở vật chất, hiệu quả hoạt động, cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định mới chỉ dừng lại ở tiêu chí chung cho 4 hạng, thẩm quyền, thủ tục xếp hạng mà chưa làm rõ được mục đích của việc xếp hạng, tiêu chí, nguyên tắc và chính sách đối với mỗi hạng.  Ngoài ra, khoản 2 Điều 40 dự thảo Luật quy định việc xếp hạng được thực hiện đối với thư viện công lập có tư cách pháp nhân. Việc quy định đối tượng phải xếp hạng như vậy là chưa phù hợp với một số thư viện công lập nhưng không có tư cách pháp nhân như Thư viện Quốc hội, Thư viện Bộ, ngành...

Hiện nay, việc xếp hạng thư viện đang được quy định tại Điều 21 Nghị định 72/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh và Thông tư số 67/2006/TT-BVHTT ngày 10/8/2006 của Bộ VH-TT hướng dẫn phân hạng và thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hoạt động văn hóa thông tin, theo đó thư viện công cộng được phân thành 4 hạng theo phân cấp quản lý. Qua thực tiễn giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy quy định phân hạng tại Thông tư 67 có nhiều hạn chế: mới chỉ áp dụng cho loại hình thư viện công lập; việc phân hạng dựa trên tiêu chí hành chính mà không theo tiêu chí chuyên môn dẫn đến cào bằng và làm triệt tiêu động lực phấn đấu, kìm hãm sự phát triển của thư viện công cộng; việc phân hạng theo tiêu chí hành chính làm một số thư viện bị xuống hạng, ảnh hưởng đến đầu tư ngân sách đối với thư viện và chính sách đối với cán bộ quản lý thư viện. Do vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, Ban soạn thảo cần đánh giá Thông tư 67 trong thực tiễn thi hành 12 năm qua, đồng thời cần đánh giá tác động của quy định về xếp hạng thư viện trong dự thảo Luật để làm cơ sở cho việc có nên hay không nên tiếp tục thực hiện việc xếp hạng thư viện.

Góp ý tại tọa đàm về nội dung này, các đại biểu cho rằng, việc đánh giá và xếp hạng thư viện là một trong các chức năng của hoạt động quản lý, là một trong những động lực thúc đẩy việc đổi mới hoạt động thư viện và là thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động thư viện. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn mục đích, đối tượng, thẩm quyền đánh giá và xếp hạng thư viện, cũng như cần đảm bảo tính khách quan trong quá trình đánh giá.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Trong Điều 33 của dự thảo Luật  về đánh giá hoạt động thư viện cần cũng cần quy định rõ các tiêu chí đánh giá đối với từng loại hình thư viện khác nhau bởi đặc thù hoạt động của mỗi loại hình thư viện.

Trong Điều 34 về xếp hạng thư viện, các đại biểu cho rằng quy định này đang không rõ việc xếp hạng thư viện có tác động như thế nào tới việc nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của thư viện khi mà các tiêu chí xếp hạng chỉ mang tính hình thức? Nghĩa là, chủ yếu chỉ dựa vào qui mô và phạm vi hoạt động của thư viện; vào qui mô cơ sở hạ tầng, tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện; vào số lượng, cơ cấu, trình độ và năng lực của người làm thư viện, chứ không phải là dựa chủ yếu vào các tiêu chí phản ánh hiệu quả và chất lượng hoạt động thư viện. Trong khi đó, tại điểm d khoản 3 Điều 34 không chỉ ra cụ thể các tiêu chí phản ánh chất lượng và hiệu quả hoạt động của thư viện, nghĩa là không chỉ ra được hiệu quả hoạt động của thư viện được đo bằng gì.

Những tiêu chí xếp hạng thư viện nêu trên ở mỗi loại hình thư viện có sự khác biệt khá lớn. Ví dụ, các thư viện chuyên ngành, thư viện trường học phần lớn là ở quy mô nhỏ về tài nguyên thông tin, về cơ sở vật chất và hạ tầng mạng, số lượng cán bộ thường chỉ có 1-2 người, thậm chí còn không có chuyên môn nghiệp vụ thư viện bởi sự tùy tiện trong sắp xếp nhân sự. Do vậy không thể đánh đồng xếp hạng tất cả các loại hình thư viện theo cùng một tiêu chí. Hơn nữa các qui định về thủ tục cho xếp hạng còn nhiêu khê và mang tính hình thức.

Theo các đại biểu, việc đánh giá, xếp hạng thư viện cần được thực hiện trên quan điểm tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các thư viện ở các loại hình, bao gồm cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập về hiệu quả và chất lượng phục vụ nhu cầu tin cho cộng đồng xã hội. Các tiêu chí đánh giá xếp hạng, cách thức xếp hạng cần được xây dựng phù hợp với đặc thù của từng loại hình thư viện. Đặc biệt, thẩm quyền đánh giá thư viện phải thuộc về tổ chức đánh giá độc lập để đảm bảo sự khách quan, công bằng giữa các thư viện, cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò lựa chọn và công bố kết quả đánh giá xếp hạng thư viện. Kết quả đánh giá có thể được sử dụng làm căn cứ cho hỗ trợ đầu tư của nhà nước./.

Thu Phương