THÔNG CÁO SỐ 12 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV

04/06/2019

Ngày 04/6/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 12 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Theo chương trình nghị sự, đây là ngày chất vấn đầu tiên của Quốc hội tại kỳ họp này. Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.

Buổi sáng:

- T8 giờ ừ đến 8 giờ 10 phút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chọn 4 nhóm vấn đề tiến hành chất vấn, đó là: Nhóm vấn đề thứ nhất về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng; Nhóm vấn đề thứ ba về lĩnh vực giao thông - vận tải; Nhóm vấn đề thứ tư về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới có các giải pháp giải quyết một cách thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn nêu trên, các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp trả lời chất vấn. Các Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý. Cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung liên quan tại kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tại  kỳ họp này sẽ tiếp tục áp dụng những cải tiến tại các kỳ họp trước. Theo đó, các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn; mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu hỏi; mỗi đại biểu Quốc hội chỉ hỏi 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời chất vấn của mỗi đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận khi thấy không thỏa đáng, nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút; tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn; các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự chủ động, tích cực của các đại biểu Quốc hội, các Bộ trưởng; sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ đạt được kết quả mong đợi của cử tri. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân tiếp tục giám sát thực hiện.

- Ngay sau bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trong quá trình chất vấn đã có 47 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 11 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận. Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề, như: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng “đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; hoạt động của các tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma tuý hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; việc xử lý gian lận điểm thi tại một số địa phương… Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình,Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi  rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành. Đây là lần đầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kinh nghiệm trong công tác điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới; được cử tri, xã hội và nhân dân đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương, sự nỗ lực của ngành Công an, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế: xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm; vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.

Vì vậy, thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

1- Tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông;

2- Phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm;

3- Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, như: Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn  không có tội phạm, hạn chế người nghiện ma túy; Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020; Chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm; Chương trình Quốc gia phòng, chống mua bán người;

4- Tổ chức trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xã hội đen, hoạt động bảo kê và phối hợp với ngân hàng để đa dạng các hình thức cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen; chủ động ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền. Kiên quyết  xử lý nghiêm, loại trừ ra khỏi lực lượng công an những cán bộ bị suy thoái, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm;

5- Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xử lý dứt điểm những vụ việc liên quan đến: các vụ án gian lận trong thi cử, vụ phân bón Thuận Phong, vụ xâm hại trẻ em ở Thủ Đức và đề nghị Ủy ban Tư pháp cùng làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an để giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn.

Buổi chiều:

Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể ở hội trường để tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên họp.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn buổi chiều ngày 04/6 đã có 39 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn. Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề, như: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; Quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); Công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Thứ tư, ngày 05/6/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực xây dựng; tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội