TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO CÁC BỘ NGÀNH ĐỊA PHƯƠNG

22/02/2019

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lần sửa đổi này phải thể chế được quan điểm của Đảng về tiếp tục phân cấp, đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

"Khoản 2, khoản 3 Điều 17 của Dự thảo Luật quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chương trình đầu tư công, dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Điểm c Khoản 6, 7 Điều 17 của Dự thảo quy định: Trường hợp chương trình sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý tham gia đầu tư chương trình, dự án quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án."

Khi dự thảo quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng, để đảm bảo chặt chẽ trong quản lý các nguồn lực đầu tư công thì các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau, cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý tham gia đầu tư chương trình quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, qua thẩm tra Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định này sẽ dẫn đến các chương trình, dự án sử dụng “một phần vốn ngân sách Trung ương” đều phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể dẫn đến có quá nhiều dự án cần phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tương tự như vậy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng phải xem xét, quyết định khá nhiều dự án do địa phương quản lý.

Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng cần phân cấp mạnh hơn và tạo tính chủ động cho các cấp quản lý ngân sách ở địa phương. Theo đó, đối với dự án hỗn hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương và nguồn “Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương” do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải làm rõ quan điểm về việc quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải làm rõ, vướng mắc của các địa phương hiện nay là có những dự án liên quan đến nhiều nguồn, có phần vốn của ngân sách trung ương, có phần vốn vay, vốn ngân sách địa phương thì ai sẽ quyết định? Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu quan điểm, ở đây nên phân cấp cho các địa phương. Theo đó, khi đã xác định được nguồn vốn ngân sách đó của địa phương là chủ yếu, ngân sách trung ương chỉ là hỗ trợ thì nên để việc thẩm định cho địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương quyết định.

Tán thành với phân tích của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nếu đề nghị phân cấp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chương trình đầu tư công, dự án nhóm A sử dụng ngân sách trung ương thì sẽ dẫn đến những chương trình dự án sử dụng một phần vốn ngân sách trung ương đều phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Như vậy sẽ dẫn đến có quá nhiều dự án phải trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng trong nên phân cấp, phần vốn địa phương là chính thì để địa phương quyết. Hiện nay các địa phương phản ánh trung ương ôm nhiều quá, dù vốn của địa phương nhưng tất cả phải lên trung ương xin nên khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, quan điểm sửa đổi luật phải bám sát vào quan điểm của Hiến pháp và tinh thần chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục phân cấp, đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư công

Luật Đầu tư công 2014 quy định theo hướng tập trung hơn là phân cấp dẫn đến vấn đề mắc hiện nay là quy trình thẩm tra, thẩm định các dự án, mặc dù quy mô nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải tập trung về trung ương khiến cho việc triển khai mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ở đây phải xác định quan điểm là phải phân cấp, ví dụ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với đầu tư công không chỉ tùy thuộc vào tính chất của nguồn vốn. Có những dự án quy mô lớn, phức tạp, công nghệ mới địa phương chưa có điều kiện thẩm định, phê duyệt thì phải trung ương nhưng cũng có những dự án ngân sách trung ương hoàn toàn nhưng rất đơn giản thì giao hẳn cho địa phương. Dự án nhóm B, nhóm C ở các tỉnh phần lớn là vốn ngân sách trung ương cấp nhưng những dự án như thế không cần thiết phải trung ương quyết định chủ trương đầu tư  mà khi phê duyệt có thể ủy quyền cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ, như vậy thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc trung ương hay địa phương không lệ thuộc vào quy mô nguồn vốn hay tỷ lệ nguồn vốn trung ương hay địa phương để nói thuộc thẩm quyền của trung ương hay của địa phương mà vấn đề là phải chú ý sửa đổi thủ tục hành chính quy định trong Luật. Cùng với đó là làm rõ chế độ trách nhiệm trong đầu tư công, quy trình chuẩn bị đầu tư. Thực tế hiện nay khâu chuẩn bị đầu tư còn đang bỏ ngỏ nhiều, chưa làm rõ được điều kiện, kinh phí để bảo đảm, thời gian để chuẩn bị đầu tư, trách nhiệm của các chủ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tinh thần của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là sẽ tăng cường phân cấp quản lý vốn đầu tư công cho các bộ ngành, địa phương. Theo đó đề nghị, đối với nguồn vốn hỗn hợp thì dự án của cấp nào cấp đó sẽ thẩm định và quyết định dự án, cấp quyết định là Hội đồng nhân dân địa phương. Trường hợp nguồn vốn đó 100% của trung ương thì trung ương sẽ là người thẩm định. Tuy nhiên vấn đề này còn nhiều nội dung cần được xem xét thận trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu nội dung này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo Yến