ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO KẾT QUẢ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT GIÁO DỤC (SỬA ĐỔI)

21/02/2019

Chiều ngày 21/02, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân

Trình bày Báo cáo Kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26 (tháng 8/2018) về việc đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân ở Trung ương và địa phương. Trong đó tập trung vào một số cơ quan, tổ chức có tính đại diện rộng rãi và liên quan đến giáo dục. Đối tượng được tập trung lấy ý kiến còn bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, luật sư, luật gia, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng nguồn nhân lực là sản phẩm của ngành Giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Về cơ bản các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân một cách nghiêm túc dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo và số lượng người tham gia lấy ý kiến đầy đủ thành phần. Trong thời gian qua Chính phủ đã nhận được: Báo cáo của 53/63 Sở GDĐT với 812.591 ý kiến; 57 tổ chức Công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 trường đại học với 353.113 lượt người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - xã hội nghề nghiệp và hiệp hội; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; ý kiến góp ý tại 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; khoảng 130 bài báo... Kết quả này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân đối với dự thảo Luật; thể hiện tính dân chủ trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta.

Dự thảo Luật nhận được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, đặc biệt là những nội dung thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thể chế hóa chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan các ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật.

Lấy ý kiến Nhân dân về 11 vấn đề trọng tâm của dự án Luật

Về phạm vi và nội dung lấy ý kiến Nhân dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại phiên họp

Cụ thể, về quy định triết lý giáo dục; hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về nhà giáo; về người học; về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; về liên thông trong giáo dục; về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; về vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục; và về kiểm định chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của Nhân dân về các vấn đề trọng tâm đã được đưa ra lấy ý kiến theo hướng tiếp thu các ý kiến đa số của Nhân dân về 9 vấn đề về quy định triết lý giáo dục; hướng nghiệp, phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư cho giáo dục và trách nhiệm của nhà nước; về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; về chính sách tín dụng sư phạm; về người học: vấn đề bình đẳng giới; về trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú; về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; về liên thông; về thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học; về vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục.

Ngoài ra về chính sách tiền lương của nhà giáo; chính sách không thu học phí đối với học sinh thuộc diện phổ cập; việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp; quy định cụ thể nhiệm vụ của các Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, Chính phủ cho rằng là những vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đảm bảo phù hợp với thực tiễn để phục vụ việc sửa đổi Luật

Trình bày Báo cáo Một số ý kiến của Thường trực Ủy ban về Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của Chính phủ về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành các nội dung, quan điểm của Chính phủ về việc tập hợp, giải trình ý kiến của Nhân dân theo 11 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến và xác định 9 nhóm vấn đề tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật như đã nêu trong Báo cáo. Thường trực Ủy ban cho rằng, các nhóm vấn đề được đặt ra và giải quyết đã cơ bản hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày báo cáo về một số ý kiến của Thường trực Ủy ban về báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Nhìn chung qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục.

Thường trực Ủy ban nhấn mạnh một số vấn đề. Trong đó, nhất trí với việc không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định khác của Dự thảo Luật này. Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên tắc, cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, ngành học, hình thức học để tạo cơ hội học tập cho mọi người.

Dự thảo Luật cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với sự phát triển của giáo dục. Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm đầu tư đầy đủ, toàn diện. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở bậc học phổ thông, cần có quy định quản lý về chương trình giáo dục phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam. Chính phủ cần có những quy định chặt chẽ, phân công phân cấp rõ trách nhiệm để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả. Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nhân dân về đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tán thành với nhiều nội dung giải trình tiếp thu trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; khẳng định Chính phủ đã lựa chọn đúng các vấn đề trọng tâm để tập trung lấy ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề như chính sách tiền lương đối với nhà giáo; vấn đề phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương; quy định nhiệm vụ của các Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh