ĐỐI NGOẠI QUỐC HỘI 2018 –THÀNH TỰU VÀ DẤU ẤN

04/02/2019

Là trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam, đối ngoại Quốc hội đang ngày càng mở rộng, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hoá, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam. Năm 2018 vừa qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành công chung của nền ngoại giao nước nhà với nhiều dấu ấn đặc biệt trong các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương.

Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APPF - 26

Năm 2018,hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.. Với tầm quan trọng của đối ngoại Quốc hội, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tháng 8/2018 đã dành trọn một phiên toàn thể với chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”, nhằm khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp và phát huy hoạt động đối ngoại qua kênh Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyến Thị Kim Ngân khẳng định: 

"Trọng tâm là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống; chú trọng thúc đẩy thương mại đầu tư, gia tăng điểm đồng, thu hẹp những khác biệt. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân để hình thành thế hệ mới bạn bè, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước, sự hỗ trợ quốc tế,..."

Ông Vũ Hải Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Đối ngoại Quốc hội vừa mang tính Nhà nước vừa mang tính nhân dân. Mang tính Nhà nước vì Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện ý chí của Nhà nước trong công tác thực hiện các chính sách đối ngoại. Mang tính nhân dân vì mang tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri đến với bạn bè quốc tế. Do vậy, sự đóng góp của ngoại giao Quốc hội trong tổng thể ngoại giao Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.”

ĐỐI NGOẠI SONG PHƯƠNG: PHONG PHÚ, ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Năm 2018, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội được triển khai theo hướng tiếp tục mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các đối tác láng giềng, truyền thống, tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện, nghị sĩ các nước dành cho Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali 

Năm 2018, Quốc hội nước ta đã đón tiếp 32 đoàn cấp cao của nghị viện các nước thăm Việt Nam. Quốc hội Việt Nam cũng cử hơn 30 đoàn thăm và trao đổi kinh nghiệm với các nước. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các chuyến thăm chính thức đến Vương quốc Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, mang lại kết quả thiết thực trong thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước.

Chuyến thăm chính thức Hà Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Hà Lan, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm đã tạo dấu mốc quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nghị viện song phương, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước.

Với chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam đến quốc gia này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm của Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao và hợp tác nghị viện song phương giữa hai nước qua 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác thiết thực về mặt kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn Kinh doanh – Đầu tư Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm đã giành được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận bằng Tiến sỹ danh dự của Đại học Hàn Quốc

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 12/2018 đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” Việt Nam – Hàn Quốc với sự đón tiếp chân thành, nồng ấm cùng những nghị thức trang trọng nhất. Sự kiện điểm nhấn trong chuyến thăm lần này là việc Đại học Quốc gia Pukyung, một trường đại học có uy tín, vị thế lớn tại Hàn Quốc đã tổ chức một buổi lễ rất trang trọng để trao bằng Tiến sỹ danh dự chuyên nghành chính trị học cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.  

ĐỐI NGOẠI ĐA PHƯƠNG CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong năm 2018 đã có sự chuyển mình ấn tượng. Từ vai trò là một thành viên tích cực, chủ động, Quốc hội Việt Nam đã dần khẳng định vai trò điều hành, dẫn dắt, với những dấu ấn nổi bật tại nhiều sự kiện lớn về ngoại giao đa phương.

Ngay từ đầu năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã tạo ấn tượng tích cực với bạn bè quốc tế thông qua việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), diễn ra từ 18 đến 20/01/2018. Đây là sự kiện đa phương lớn nhất trong năm 2018 mà Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, với sự tham gia của số lượng đại biểu các nghị viện đến Việt Nam đông đảo nhất từ trước tới nay: 22 đoàn nghị viện thành viên với 356 đại biểu quốc tế, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội. Đặc biệt, sự tham dự của Chủ tịch, nguyên Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh nghị viện thế giới IPU tại Diễn đàn đã tạo nên sự kết nối giữa IPU và APPF, khẳng định vai trò và uy tín của Quốc hội Việt Nam trong việc đăng cai diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng này. Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, APPF- 26 đã ra tuyên bố Hà Nội, đánh giá lại toàn diện hoạt động của Liên minh nghị viện khu vực châu Á Thái Bình Dương sau 25 năm hình thành và phát triển, đồng thời định hình cho tương lai phát triển của APPF.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Từ thành công của APPF - 26, Quốc hội Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đối ngoại đa phương chủ động và hiệu quả. Từ ngày 24-28/3/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã trực tiếp tham dự Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU 138 tại Thụy Sỹ. Tại Phiên toàn thể, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng, đóng góp tích cực cho chủ đề của Hội nghị về tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn, nhận được sự đồng tình cao của các đoàn tham dự.

Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á-Âu (MSEP) lần thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tiếp tục tham gia tích cực vào các cơ chế nghị viện đa phương, ủng hộ hợp tác và kết nối giữa nghị viện các nước Á Âu với các cơ chế hợp tác liên nghị viện đa phương khác.

Cùng với đó, lãnh đạo cấp cao của Quốc hội cũng đã tham gia nhiều hội nghị quan trọng khác, như Đại hội đồng IPU-139, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Hội nghị Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP)…

Đáng chú ý, tại phiên họp lần thứ 280, Ban Chấp hành IPU đã nhất trí bầu Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu – Thành viên Ban chấp hành IPU – làm Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019. Đây là sự kiện quan trọng, một lần nữa khẳng định sự tín nhiệm và tin tưởng của Nghị viện các nước đối với Quốc hội Việt Nam.

Một năm với nhiều hoạt động đối ngoại đa phương tích cực của Quốc hội Việt Nam đã khép lại với việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” tại Đà Nẵng, từ ngày 17-18/12/2018. Đặc biệt, Hội nghị lần này ghi nhận một dấu mốc quan trọng, đó là việc công bố bản tiếng Việt của Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện, nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững

Ông Martin Chungong - Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU, cho biết: “Đây là một hội nghị hoàn toàn hướng về người dân, theo đó, các đại biểu cùng thảo luận và về cách mà nền dân chủ và Quốc hội Việt Nam có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam thông qua việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, đây là một hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tôi rất vinh dự được tham gia vào hội nghị này dưới sự chủ trì của Quốc hội Việt Nam.”

Với những thành tựu và dấu ấn trong năm 2018 vừa qua, đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã từng bước được nâng tầm, có nhiều đóng góp thiết thực, chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng, thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, đối ngoại Quốc hội được kì vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.

Hà Kim Ngọc