UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI: NỖ LỰC "BAO PHỦ" CÁC LĨNH VỰC CHÍNH YẾU

02/02/2019

Trong năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chương trình, kế hoạch công tác năm 2018 đã đề ra. Thường trực Ủy ban và toàn thể thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, phát huy vai trò của từng thành viên Ủy ban, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương trong hoạt động giám sát, khảo sát, cung cấp thông tin thực tiễn, khách quan góp phần hoàn thiện nhiệm vụ chuyên môn.

Lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên...Uỷ ban Về các vấn đề xã hội gặp mặt nhân dịp Tết nguyên đán 2019

Để biết rõ thêm cụ thể công việc Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đạt được trong năm 2018, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các Vấn đề của Quốc hội.

Phóng viên: Cảm ơn Chủ nhiệm đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa Chủ nhiệm, có thể nói 2018 là một năm có nhiều dấu ấn của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong cả công tác lập pháp và giám sát. Là người đứng đầu Ủy ban, Chủ nhiệm có thể điểm lại một số hoạt động nổi bật trong năm qua?

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trong năm 2018 , Ủy ban tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện phương thức hoạt động, phương thức điều hành, làm việc có kế hoạch, chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng với từng thành viên trong ủy ban. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Hoàn thành việc chủ trì thẩm tra các dự án Luật có nhiều tác động đến xã hội, người dân và đều là những dự án luật khó, có nhiều loại ý kiến khác nhau.

Bên cạnh đó, Uỷ ban cũng đã hoàn thành khối lượng lớn các Báo cáo giám sát chuyên đề và Báo cáo thẩm tra theo quy định của luật cùng nhiều nhiệm vụ khác với 04 Phiên họp toàn thể Ủy ban; Tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội tham gia ý kiến xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” và xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện 02 Nghị quyết và tham gia ý kiến một số đề án thuộc lĩnh vực chuyên môn của Ủy ban... Từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động của Ủy ban, duy trì các hoạt động chuyên gia nhằm hỗ trợ và phục vụ chuyên môn sâu. Cương quyết thực hiện nghiêm túc kỷ luật về xây dựng pháp luật và chính sách, bán sát trọng tâm cốt lõi của các chính sách, đường lối và nghị quyết của Đảng. Chú trọng đúng lĩnh vực theo chức năng của Ủy ban đó là an sinh xã hội, chính sách xã hội và người có công với cách mạng… đã cố gắng, nỗ lự để “bao phủ” hầu hết các lĩnh vực chính về y tế - dân số - lao động – việc làm – người có công – bảo trợ xã hội – bình đẳng giới – phòng, chống tệ nạn xã hội…. Các kết quả giám sát, ý kiến thẩm tra pháp luật của Ủy ban đều được dư luận xã hội, cử tri quan tâm, đánh giá và thực sự có tác động đến đời sống của người dân....

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời phỏng vấn

Về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban Chủ trì thẩm tra dự án Luật Dân số, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 – 2021; Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 đến 31/12/2021; Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Phối hợp thẩm tra đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và các dự án luật, pháp lệnh được phân công. Thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 10 dự án luật và phối hợp thẩm tra, tham gia ý kiến chỉnh lý đối với 10 các dự án Luật.

Về công tác giám sát: Ủy ban Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH và việc quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2017 và Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ BHXH và đề xuất chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2019 - 202.

Hoàn thành 04 chuyên đề giám sát theo quy định của Luật và Nghị quyết để phục vụ thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; Quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; Kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Hoàn thành 02 giám sát chuyên đề của Ủy ban về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam” và “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình”.

Tổ chức 02 Phiên giải trình: Thứ nhất, về việc tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế tuyến cơ sở; Thứ hai, về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Tham gia các Đoàn giám sát tối cao về quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011 - 2016”; về khiếu nại tố cáo và cử đại diện Thường trực Ủy ban tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Thường trực Ủy ban, các thành viên Ủy ban đã tích cực tham gia giám sát tại địa phương nơi ứng cử do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức. Giám sát giải quyết kiến nghị, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.....

Về công tác đối ngoại: Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, song phương, kết hợp thực hiện ngoại giao nghị viện và phát huy việc tranh thủ các nguồn lực hợp lý để tham gia các diễn đàn chuyên môn.

Đối với vấn đề bình đẳng giới: Là Thường trực của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam với trọng tâm chính nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật...

Phóng viên: Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, Ủy ban đã trình Quốc hội Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đây là dự án Luật nếu được ban hành được đánh giá sẽ là một Dự luật quan trọng đối với công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với tư cách là người đứng đầu, Chủ nhiệm kỳ vọng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ mang lại những tác động tích cực gì cho xã hội?

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Trước hết, khi chứng kiến những tác hại của rượu bia gây ra với sức khỏe con người, tới an ninh, kinh tế và an toàn xã hội như là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương, là một trong năm nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tật, khuyết tật và tử vong, là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam ở nam giới độ tuổi 15-49 và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình thì với tư cách là người đứng đầu một Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực xã hội, tôi rất mong muốn Nhà nước ta có một đạo luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại mà rượu bia gây ra cho xã hội.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan thẩm tra dự án Luật, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 tới đây, tôi kỳ vọng ở Luật Phòng, chống tham nhũng 5 vấn đề sau:

- Luật được ban hành sẽ là một trong các nhân tố giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân, giúp giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra;

- Góp phần phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra;

- Góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết (mục tiêu phát triển bền vững số 3.5 là giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).

- Đưa ra được các quy định mang tính khả thi, đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải cách thủ tục hành chính trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.

- Huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu bia để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả.

Phóng viên: Được biết trong tháng 8/2018 vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Bà đánh giá thế nào về vai trò của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và cần thực hiện những gì để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở?

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cảm ơn câu hỏi của phóng viên. Vấn đề phóng viên nêu câu hỏi đang là vấn đề được cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm hiện nay. Đây cũng là vấn đề được chú trọng trong Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Cũng chính vì lý do này mà vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở.

Chúng ta thấy rằng, y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, là nơi tiếp cận đầu tiên, toàn diện, hệ thống đối với sức khỏe của người dân, bảo đảm cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế được tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, chất lượng, hiệu quả với chi phí thấp. Bên cạnh đầu tư cho y tế dự phòng thì đầu tư cho y tế cơ sở là đầu tư "khôn ngoan" và hiệu quả nhất.

Sở dĩ khẳng định vai trò của  y tế cơ sở như vậy bởi mạng lưới y tế cơ sở theo đúng chức năng sẽ thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; từng cá nhân được quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, được truyền thông về sức khỏe, được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, thường xuyên, được phát hiện sớm, tổ chức sơ cứu, cấp cứu... sẽ góp phần đạt được mục tiêu ưu tiên của hệ thống y tế Việt Nam là bảo đảm mọi người dân được khỏe mạnh trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, theo tôi, cần quan tâm đến 4 vấn đề sau:

- Thứ nhất, tiếp tục khẳng định và thống nhất từ trung ương đến địa phương, trong cả hệ thống chính trị và người dân nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Thứ hai, y tế cơ sở cần phải được củng cố về tổ chức, bộ máy và hoạt động chuyên môn; cần được đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm được vai trò là “Người gác cổng” trong hệ thống y tế và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

- Thứ ba, tăng cường xã hội hóa; huy động sự tham gia của y tế ngoài công lập trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.

- Thứ tư, hoàn thiện hành lang pháp lý về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu để có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, phát huy vai trò và đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm công bằng, chất lượng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Khi thực hiện được toàn diện 4 vấn đề trên, hi vọng rằng, y tế cơ sở sẽ khẳng định và tăng cường vị thế của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết 20 giao.

Phóng viên: Năm 2019 là năm  thứ  4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong đó có lĩnh vực  lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, bình đẳng giới, thi đua, khen thưởng, phòng, chống tệ nạn xã hội. Đây được coi là quãng thời gian quan trọng để Ủy ban thực hiện các hoạt động giám sát chuyên đề, chuyên sâu. Vậy năm 2019, Ủy ban sẽ chú trọng những vấn đề trọng tâm nào, thưa Chủ nhiệm?

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Đây là năm bản lề của nhiệm kỳ vì vậy Quốc hội nói chung cũng như các cơ quan của Quốc hội cũng hết sức chú trọng để không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà phải hướng tới mục tiêu xa hơn là chuẩn bị tổng kết, đúc kết, đánh giá để góp phần định hướng chính sách, chiến lược của quốc gia trong giai đoạn tới. Trọng tâm hoạt động vẫn phải là hoàn thiện xây dựng pháp luật, tập trung giám sát những vấn đề được cử tri, xã hội quan tâm:

Về công tác xây dựng pháp luật: Ủy ban tiếp tục chủ trì thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7; Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Chủ trì thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với một số dự án Luật, Pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và tham gia ý kiến dưới góc độ xã hội vào một số dự án Luật, Pháp lệnh do các Ủy ban khác chủ trì thẩm tra. Tham gia việc thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (nếu có) đối với các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách, tập trung vào các chính sách dự kiến điều chỉnh trong văn bản, đồng thời quan tâm việc đánh giá tác động giới, tác động xã hội của tất cả các dự án được đề xuất.

Song song với đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thẩm tra các dự án luật: Luật Dân số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bình đẳng giới; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Phòng, chống mại dâm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Bảo hiểm y tế. Tham gia với các Ủy ban khác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh được phân công; thẩm tra việc phê chuẩn các điều ước quốc tế có nội dung liên quan đến lĩnh vực của Ủy ban phụ trách.

Về công tác giám sát, khảo sát: 

(1) Xem xét, thảo luận các nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách trong Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và các nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách trong các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp  thứ 8.

(2) Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về:

- Tình hình thực hiện mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới năm 2018;

- Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2018;

- Tình hình thực hiện quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2018;

- Kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 02 năm (2018 - 2019);

- Tình hình 02 năm (2018 - 2019) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

(3) Giám sát chuyên đề về các nội dung:

- Kết quả 10 năm (2009 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;

- Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

(4) Tổ chức 02 phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đối tượng yếu thế.

(5) Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách.       

(6) Giám sát việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

(7) Giám sát việc thực hiện Kết luận số 1470/KL-UBVĐXH14 ngày 07/8/2018 của Phiên họp giải trình về chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.

(8) Tham gia giám sát về các nội dung có liên quan trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội về các nội dung giám sát có liên quan.

(9) Tổ chức các hoạt động khảo sát chuyên đề phục vụ thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, các luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Một số công tác khác:

- Thành viên Ủy ban tham gia các hoạt động của Nhóm nghị sĩ hữu nghị; Đại diện Ủy ban tham gia các diễn đàn liên nghị viện theo sự phân công của Lãnh đạo Quốc hội; dự cử đại biểu tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực về các vấn đề xã hội, y tế, dân số, giới… khi điều kiện cho phép; Ủy ban tăng cường hợp tác với một số cơ quan của Liên hợp quốc (UNFPA, UNWOMEN, UNICEF, UNAIDS, ILO…). Huy động nguồn lực để tổ chức hoạt động nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế phục vụ công tác chuyên môn của Ủy ban.

- Chủ trì phối hợp việc tổ chức hoạt động của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội triển khai các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm quốc tế về chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực xã hội.

- Tổ chức một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên gia phục vụ công tác xây dựng pháp luật, giám sát và nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu về giới, về chính sách y tế, lao động, xã hội, dân số và những vấn đề liên quan.

- Tổ chức các hoạt động xã hội gắn với chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban tại một số địa phương.

- Chuẩn bị cho việc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm! Nhân dịp năm mới, thay mặt Ban Biên tập, xin gửi tới Chủ nhiệm và gia đình lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc cho Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội một năm mới đạt được nhiều thành công hơn nữa!

 

Diệu Huyền