QUỐC HỘI THÔNG QUA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG (SỬA ĐỔI)

20/11/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 20/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh Phiên họp biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Trước khi tiến hành biểu quyết, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Phong, chống tham nhũng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:

Về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 30): Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, Điều 30 của dự thảo Luật quy định: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.

Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34): việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…. Tuy dự thảo Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc: UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành, cụ thể: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Về các nội dung khác của dự thảo luật như: giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;  phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước,... đều được rà soát, tiếp thu để hoàn thiện quy định tại dự thảo. Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến khác của các vị ĐBQH, hoàn thiện về mặt kỹ thuật soạn thảo văn bản của dự thảo Luật.

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật với 452 đại biểu tán thành, chiếm 93,20% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV gồm gồm 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Lê Anh - Nhóm ảnh